GS Trịnh Xuân Thuận: Ngước mắt với bầu trời
GS Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Với niềm đam mê nghiên cứu vật lý thiên văn đặc biệt, ông đã để lại dấu ấn của mình qua nhiều công trình, nhiều cuốn sách có giá trị.
GS Trịnh Xuân Thuận hiện đang sống, nghiên cứu vật lý thiên văn và giảng dạy ở Mỹ. Bận rộn với công việc, ông ít về Việt Nam. Nhưng mỗi khi có dịp trở về, lần nào cũng thấy ông say sưa nói về vũ trụ, ánh sáng, thiên hà, Big Bang… Ông còn tiếp xúc với bạn đọc thanh, thiếu niên như một cách truyền cảm hứng với các em, các cháu, để kéo họ gần hơn với vũ trụ bao la.
Còn nhớ cách đây mấy năm, GS Trịnh Xuân Thuận về nước và thực hiện các buổi giao lưu, gặp gỡ với sinh viên tại Hà Nội và TP.HCM. Tại những buổi giao lưu ấy, ông kể về con đường đưa ông đến với khoa học vũ trụ và nghiên cứu bí ẩn bầu trời.
GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, hồi nhỏ ông rất thích đọc sách, nhất là sách của 2 nhà bác học nổi tiếng trên thế giới là Albert Einstein và Isaac Newton. Theo GS Trịnh Xuân Thuận, có 3 điểm mà các bạn trẻ cần lưu tâm. Đó là ham học hỏi; có ý chí - nhất là khi còn trẻ; và chút may mắn. Sự may mắn, theo GS Trịnh Xuân Thuận, là “được trời Phật phù hộ, gặp được các thầy, cô giáo giỏi”. Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ, để có thể bền bỉ ngồi viết sách đến tận ngày nay, khi tuổi không còn trẻ, bởi ngay từ những cuốn sách đầu tiên ông đã “gặp may”. Khi mới hoàn thành cuốn “Giai điệu bí ẩn”, GS Trịnh Xuân Thuận đã được một đài truyền hình uy tín ở Pháp mời đến phỏng vấn, và giới thiệu sách trên chương trình chuyên về sách. Sau đó, cuốn sách này của ông nhanh chóng được nhiều người biết, đứng trong danh mục sách bán chạy (best-seller), được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Bạn đọc ở Việt Nam cũng đã có thế tiếp cận với cuốn “Giai điệu bí ẩn” nổi tiếng của GS Trịnh Xuân Thuận qua bản dịch của dịch giả Phạm Văn Thiều. Trong lời tựa cho bản sách lần đầu xuất bản ở Việt Nam, ông viết: “Những cuốn sách mà tôi đã đọc ở tuổi ấu thơ đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và hình thành những suy tư của tôi. Chắc chắn rằng chúng đã đóng góp một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học. Chúng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò chủ động trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó tôi đã không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian”.
Sinh ra tại Đông Anh - Hà Nội, nhưng tới tuổi lên 6 Trịnh Xuân Thuận đã theo gia đình di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt rồi chuyển vào Sài Gòn. Ông học Trường Yersin (Lycée Yersin) tại Đà Lạt (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), rồi Trường Jean Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn. Đây là hai trường tư do người Pháp thành lập, toàn bộ quá trình học của ông từ mẫu giáo đến tốt nghiệp trung học đều là bằng tiếng Pháp. Năm 1966, Trịnh Xuân Thuận đi du học Thụy Sĩ, và sau đó được nhận một học bổng du học tại Hoa Kỳ.
Ông theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California (California Institute of Technology) từ năm 1967 đến năm 1970, và tại Đại học Princeton trong 4 năm, từ năm 1970. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại Đại học Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII - Diderot)
Tên tuổi của GS Trịnh Xuân Thuận đã được thế giới ghi nhận qua hàng loạt công trình nghiên cứu vật lý thiên văn học. Trong đó, đáng kể là năm 2004, bằng việc sử dụng kính thiên văn không gian Hubble, GS Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ quan sát được.
Đam mê mãnh liệt đối với vũ trụ, qua những công trình phổ biến khoa học của mình, GS Trịnh Xuân Thuận thường trả lời những vấn đề mang tính triết học: Vũ trụ có nguồn gốc từ đâu? Chúng ta có nguồn gốc từ đâu? Con người giữ vị trí như thế nào trong vũ trụ? Phải chăng chúng ta mang trong mình toàn bộ vũ trụ, và chúng ta hoàn toàn không thể cắt rời khỏi vũ trụ? Các tác phẩm của ông còn có những dự đoán về hành tinh chúng ta trong tương lai...
Ông cho rằng, tự nhiên không hoàn toàn câm lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi, hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên, không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần phải khám phá ra bí mật của các giai điệu ẩn giấu ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó.
Đến nay, đã có khoảng 20 đầu sách của GS Trịnh Xuân Thuận được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Có thể kể tới: “Nguồn gốc, nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu”; “Những con đường của ánh sáng” (2 tập); “Hỗn độn và hài hòa”; “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”; “Khát vọng tới cái vô hạn”; “Số phận của vũ trụ” (Big Bang và sau đó), “Sự đầy của cái không”, “Một đêm”... Dù viết về những hành tinh xa xôi, viết về những thiên hà lạnh lẽo, hay viết về những hố đen bí ẩn…, GS Thuận luôn cố gắng sử dụng một ngôn ngữ giản dị nhưng trong sáng. Ông hạn chế dùng những thuật ngữ quá chuyên sâu. Đối với những khái niệm khó, ông thường liên hệ với những hình ảnh trong cuộc sống thường ngày để làm ví dụ. Tất nhiên, đọc các công trình của ông, những thuật ngữ vật lý thiên văn vẫn xuất hiện khi cần. Để độc giả phổ thông có thể dễ dàng hiều được, như trong cuốn “Giai điệu bí ẩn”, ở cuối sách, ông xây dựng phần “Thuật ngữ” với những giải thích, định nghĩa dễ hiểu.
Trong các cuốn sách phổ biến khoa học của GS Trịnh Xuân Thuận, người ta có thể nhận ra ông viết về vũ trụ theo lối văn chương. Như trong cuốn sách mới nhất có tựa đề “Một đêm” (Phạm Văn Thiều, Phạm Việt Hưng dịch, NXB Trẻ, 2020), GS Trịnh Xuân Thuận cũng đưa người đọc bước vào một thế giới bao la, khám phá trời đêm bằng những diễn giải rất dễ hiểu. Là người yêu thơ ca, ông còn trích dẫn nhiều câu thơ, đoạn thơ của các thi sĩ nổi tiếng. Ví như, khi viết về Mặt Trăng, GS Trịnh Xuân Thuận trích dẫn “Bài ca chim sơn ca” của John Keats: “Đêm dịu dàng/ Và có thể Hằng Nga đang ngự trị trên ngai/ Giữa đám sao tiên nữ/ Nhưng ở đây, nào đâu sáng tỏ/ Ngoài những cơn gió thoảng qua/ Trên những vòm lá tối sẫm và rong rêu của những con đường uốn lượn”. Thậm chí ông còn trích cả “Romeo và Juliette” của W.Shakespeare: “Nào, hỡi đêm tối, hãy lại đây/ Romeo anh, hãy lại với em!/ Anh là ánh dương trong đêm tối/ Vì anh sẽ nằm dưới đêm tối của màn đêm…”.
Từ lâu, ông đã quan niệm “ánh sáng là người bạn tri kỷ”. Đồng thời, ông cũng cho rằng: “Tiếng nói của vũ trụ là toán. Các khoa học đều dùng toán phương trình để tìm hiểu vũ trụ. Nhưng khi viết sách, tôi không dùng nó, mà dùng hình ảnh trong đời sống hàng ngày, để cho công chúng hiểu các ý niệm mà những nhà khoa học tìm thấy trong vũ trụ”.
Trong các cuộc trò chuyện, GS Trịnh Xuân Thuận nói rằng, ông thường viết bằng tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ mà ông hiểu nhất. Còn tiếng Việt ông vẫn nói chuyện giao tiếp hàng ngày nhưng khi viết triết lý thì khó khăn…
Vậy vì sao ông không dành nhiều tâm sức cho mảng sách nghiên cứu chuyên ngành mà lại tập trung hơn cho mảng sách khoa học thưởng thức? Là bởi ông muốn gặp gỡ nhiều độc giả hơn. “Nếu viết sách chuyên ngành phức tạp thì chỉ có khoảng mấy trăm người hiểu được. Tôi muốn những kiến thức về khoa học, vật lý thiên văn tràn rộng trong nhiều độc giả. Vì vậy tôi viết sách cho số đông. Nếu may mắn, sách của mình sẽ có cả trăm, nghìn người đọc”- ông nói đồng thời bày tỏ: Tôi muốn giảng giải cho số đông công chúng về những ngôi sao, vũ trụ, về những gì mà những nhà thiên văn đã tìm ra. Những hiện tượng mặt trời chết đi thành sao lùn, hoặc các sao nặng hơn mặt trời chục lần, mặt trời thành lỗ đen…
Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến gần hơn với mọi người, đặc biệt tư tưởng Phật giáo xuyên suốt các tác phẩm đã tạo cho chúng nét hấp dẫn riêng, GS Trịnh Xuân Thuận đã được trao nhiều giải thưởng về sách như: Giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp (2007), giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học; giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc (2012) và giải Louis Pauwels (2012)…