Vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa: Cần giải pháp cụ thể

Minh Quân 08/07/2020 09:00

Việc vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nhiều năm qua đã trở thành vấn đề nhức nhối của những người làm sáng tạo. Tuy nhiên, xử lý những bất cập này vẫn đang là trăn trở của các cơ quan quản lý.

Vụ tranh chấp bản quyền bộ sách này diễn ra một thời gian dài.

Vi phạm chồng chéo

Mới đây TAND TP HCM đã ra bản án phúc thẩm, tuyên họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) là tác giả duy nhất của tác phẩm “Thần đồng đất Việt” sau hơn 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện tranh chấp tác quyền. Đây được xem là một trong những vụ kiện về tác quyền kéo dài “kỷ lục” trong tố tụng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số vụ kiện về vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa phải đưa nhau ra tòa chỉ chiếm phần rất nhỏ so với tranh chấp và vi phạm thực tế. Bởi hầu hết chủ thể quyền không có động lực trong các vụ kiện, bởi vì họ thấy rằng kiện tụng quá gian nan. Như trường hợp tác giả Lê Linh trong vụ kiện “Thần đồng đất Việt” cho thấy, tác giả phải mất nhiều năm, từ 2002-2019 mới đòi được công lý.

Đơn cử ở lĩnh vực âm nhạc, nhiều năm qua câu chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ đã xảy ra như “cơm bữa”, thậm chí là những ca sĩ có tên tuổi. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực biểu diễn, nhiều chương trình của các ca sĩ nổi tiếng như Bằng Kiều, Khánh Ly, Quang Hà, Ưng Hoàng Phúc… đã bị đưa vào danh sách các vụ việc bị khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền vì xâm phạm quyền tác giả, song vẫn chưa được đưa ra xét xử. Nếu chỉ tính các chương trình với quy mô lớn mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phát hiện, số lượng chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới hàng trăm. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, song xoá tên và thành lập công ty mới.

Không chỉ các show diễn mà vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc còn lây lan qua nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử, như trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, tác giả của hai ca khúc “Đường cong” và “Taxi” đã lên tiếng tố nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) vừa ra rạp đã sử dụng hai ca khúc trên một cách bất hợp pháp.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, ngoài việc ủy quyền cho VCPMC khai thác về quyền tác giả thì không có bất kỳ đơn vị nào được khai thác quyền liên quan đến quyền tác giả đối với 2 ca khúc. Trong khi đó, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” sử dụng hai ca khúc này mà chưa được cho phép là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu theo quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, trong khi ca sĩ nổi tiếng có thể thu về 400-500 triệu đồng/show, bầu sô có thể bán hai, ba chục triệu đồng một cặp vé. Nhưng ai là người cung cấp tác phẩm để họ kiếm lời, nếu không phải là nhạc sĩ? Vậy mà khi trả tiền tác quyền thì họ tìm đủ mọi cách tránh né, thậm chí chửi bới um xùm. Thử hỏi các nhạc sĩ có đau lòng không? Chúng tôi nhận thấy vô vàn hệ lụy nếu không bảo vệ được bản quyền cho người sáng tác.

Tìm giải pháp bền vững

Có thể nói nguyên nhân vi phạm bản quyền còn phổ biến ở nước ta được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ ra là do nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân. Nhằm tìm giải pháp tạo “hàng rào” phòng chống các vi phạm, mới đây Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Hội đồng Anh đã khởi động dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”. Dự án sẽ được chính thức triển khai từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021 với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo trong cả nước.

Trong đó, Dự án có ba mục tiêu cụ thể gồm đánh giá được tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Theo Dự án, những nghiên cứu của VICAS và Hội đồng Anh cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, cũng như nỗi bức xúc khi sự xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan. Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy vẫn có một số lượng người nhận thức được về những hành vi vi phạm đó, họ cho rằng sự ràng buộc pháp luật về vấn đề này còn mong manh và chưa dễ gì để có đủ minh chứng truy tố những hành vi sai phạm này.

Dự án mong muốn sẽ đem đến những hiểu biết có ích và kỹ năng thực tiễn cho nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo để nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi và những sản phẩm mình tạo ra trước những xâm phậm về quyền sở hữu trí tuệ qua một loạt các hoạt động như workshop, xây dựng công cụ hướng dẫn căn bản về sở hữu trí tuệ, đối thoại và tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nhìn nhận về Dự án, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trưởng BQL dự án cho biết: Qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra các cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.

PGS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra các cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.

Minh Quân