Ca sỹ bị giết hại, bạo loạn trùm Ethiopia
Ca sĩ Hachalu Hundessa - một biểu tượng cho khát vọng và quyền lợi của người dân Oromo bị giết đã kích động tình trạng bạo loạn lan tràn tại Ethiopia. Chỉ chưa đầy một tuần, cảnh sát Ethiopia cho biết ít nhất 166 người đã thiệt mạng và con số đó có thể tiếp tục tăng lên.
“Cái giá của biểu tượng”
Ca sĩ Hundessa, 34 tuổi, đã bị bắn vào tối 28/6 tại khu vực chung cư Gelan của Addis Ababa khi đang lái xe. Theo Ủy viên cảnh sát thành phố là Geta Argaw, nói với phát thanh viên Fana của đài phát thanh địa phương, ca sỹ đã được đưa đến bệnh viện sau vụ tấn công, nhưng sau đó đã chết vì vết thương quá nặng.
Trong nhiều năm nay, Hundessa không phải là một ca sỹ bình thường như những ca sỹ khác mà là thần tượng và người hùng của dân tộc Oromo ở Ethiopia. Những bài hát của Hundessa được cộng đồng những người Oromo ca ngợi là “trung tâm về một nền tảng của cuộc kháng chiến chống chính phủ và thức tỉnh đất nước”.
Qua những bản ballad như Maalan Jira (tiếng địa phương “Những gì tồn tại là của tôi”) và Mui Jirraa (Chúng tôi đang ở đây),tiếng hát của ca sỹ Hundessa được ghi nhận là “cuộc đấu tranh và hy vọng của người biểu tình Oromo, là ước mơ của họ về một tương lai tốt đẹp hơn ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi”.
Chính vì vậy, cái chết của ca sỹ này đã đẩy đất nước Ethiopia vào tình trạng bạo loạn và bạo lực. Tin tức về cái chết của ông Hundessa, đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở thủ đô và các khu vực khác của Ethiopia, với hình ảnh và video trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy hàng trăm người đang tụ tập tại bệnh viện nơi thi thể ông được đưa đi. Trong vài ngày sau đó đã có hơn 80 người bị thiệt mạng và không ngừng tăng lên. Ngày 4/7 cảnh sát Ethiopia cho hay ít nhất 166 người đã thiệt mạng, 1.084 người bị bắt giữ trong những vụ biểu tình dẫn đến bạo loạn.
Nguyên nhân chính được cho là cảnh sát không có được bất cứ manh mối nào về thủ phạm. “Chừng nào chưa điều tra ra thủ phạm và chưa biết được động cơ gây án của thủ phạm thì chừng ấy chưa thể xác định được bản chất thực sự của vụ ám sát ca sỹ này là gì. Họ đã giết biểu tượng của chúng tôi” – một người thuộc bộ tộc Oromo nói với CNN. Nhiều người Oromo khi được hỏi đều cho rằng vụ ám sát ca sỹ này không phải là một vụ án hình sự mà là một vụ giết người vì mục đích chính trị.
Lo sợ mâu thuẫn sắc tộc bùng phát
Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Abiy Ahmed bày tỏ sự chia buồn trước vụ giết ông Hundessa và kêu gọi bình tĩnh. Người vốn được Giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 đối mặt với nhiệm vụ khó khăn kép cùng lúc: Chống đại dịch Covid-19 hoành hành và giải quyết mâu thuẫn sắc tộc leo thang.
“Mọi người đang chờ đợi cảnh sát cung cấp một bản báo cáo đầy đủ về hành động ghê tởm này”- ông Abiy nói trong một tuyên bố đăng trên Facebook. “Chúng tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của tình hình và chúng tôi đang chú ý và kiềm chế các hoạt động bạo loạn trong nước. Chúng ta nên bày tỏ sự chia buồn trong khi bảo vệ chính mình và bằng cách ngăn chặn những tội ác tiếp theo”- ông Abiy kêu gọi.
Ở Ethiopia có 4 dân tộc chính là dân tộc Tigre (chiếm 6% dân số), dân tộc Oromo (chiếm 34% dân số), dân tộc Amhara (chiếm 27% dân số) và dân tộc Somali (chiếm 6% dân số). Tuy chỉ chiếm có 6% dân số, dân tộc Tigre lại đóng vai trò quyết định nhất về quyền lực chính trị ở Ethiopia, khiến cho những dân tộc khác cảm nhận không được bình đẳng hoặc bị chèn ép.
“Chủ nghĩa sắc tộc được đề cao tại Ethiopia từ nhiều thế kỷ nay. Người Oromo đấu tranh với chính quyền trung ương đòi quyền tự trị với mức độ tương xứng với vai trò và ảnh hưởng của họ, thậm chí còn theo đuổi cả mục tiêu trở thành quốc gia độc lập riêng. Năm 2017, hàng trăm người cũng đã thiệt mạng do xung đột sắc tộc tại đất nước này. ” – một nhà nghiên cứu chính trị Trung Phi nói với các hãng truyền thông.
Các thành viên của cộng đồng Oromo thành phố Sioux City đã mang theo các khẩu hiệu: “Oromo Lives Matter” (Người Oromo đáng được sống). Tại thành phố Harar phía Đông Ethiopia, những người biểu tình đã bắn vào tượng Ras Makonnen Wolde Mikael - người cha của Haile Selassie, hoàng đế cuối cùng của Ethiopia để phản đối chính phủ.