Bảo đảm quyền lợi và bình đẳng giới cho lao động nữ

Thanh Vũ 08/07/2020 08:45

Ngày 7/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới (thay thế Nghị định 85/2015/NĐ-CP) nhằm thực thi các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019. 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ năm 2015 dù có ý tốt, tất cả hướng đến việc chăm lo bảo vệ quyền lợi phụ nữ nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập; nhiều vấn đề không phù hợp với các nguyên lý trong đời sống xã hội.

“Càng bảo vệ lao động nữ nhiều thì càng tăng gánh nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ và dẫn đến bất bình đẳng đối với phụ nữ trong thực tiễn. Càng bảo vệ lao động nữ bằng cách đối với phụ nữ không làm một số công việc, phụ nữ khi mang thai, nuôi con dưới 2 tháng tuổi không được làm thêm, làm đêm hay đi công tác xa điều này cho thấy hình như đang hạn chế một số quyền lợi của phụ nữ...” - ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Bộ luật Lao động năm 2019 lần đầu có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan rất nhiều đến lao động nữ, thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó, sửa đổi căn bản từ cách tiếp cận, khái niệm về bảo đảm bình đẳng giới; cách đưa ra những vấn đề bảo vệ đối với lao động nữ và đến bình đẳng giới. Cụ thể như việc bảo vệ thai sản đảm bảo đúng thực chất; không phân biệt trong tình trạng hôn nhân, không phân biệt trong tình trạng thai sản, không phân biệt trong lao động có trách nhiệm với gia đình...

Chia sẻ về Dự thảo Nghị định mới, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Phạm Thị Thanh Việt nêu Dự thảo Nghị định mới quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; tham khảo ý kiến đại diện của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo. Theo Dự thảo Nghị định cũng quy định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ và thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; các biện pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận về quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới như chăm sóc sức khỏe, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, chính sách hỗ trợ của nhà nước… Các đại biểu cũng đánh giá cao Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định 85. Cụ thể là mở rộng phạm vi áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động (thay vì lao động nữ và người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ); quy định cụ thể việc thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, việc tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc người đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

Thanh Vũ