Hơn 800 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận, tổng hợp được 823 ý kiến thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp.
Sáng 8/7, kỳ họp 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII chính thức khai mạc.
Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay toàn tỉnh đã nhận hơn 66 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó ủng hộ qua MTTQ các cấp hơn 58 tỷ đồng.
Thực hiện chức năng giám sát, sau khi Chính phủ ban hành NQ 42 và QĐ 15 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày từ đầu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội và các ngành liên quan thành lập các đoàn giám sát và hướng dẫn MTTQ các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Qua giám sát nhận thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, Quyết định số 15 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đúng quy trình, đúng mục đích, công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác, kịp thời, không bỏ sót đối tượng. Chưa phát hiện những sai sót, không đúng quy định, lợi dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện; chưa có đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của cán bộ, nhân dân.
Tuy nhiên, qua giám sát và nắm tình hình, dư luận nhân dân còn băn khoăn về việc các đối tượng là người lao động bị mất việc làm, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chưa được hưởng chính sách (do một số khái niệm và nội dung quy định trong Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 chưa rõ).
Nếu được hưởng thì cũng chỉ được hưởng 1 tháng (trong khi 1 số nhóm đối tượng đã được hưởng 3 tháng). Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ, tập trung rà soát, lập danh sách và chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng còn lại.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Hà Tĩnh trước kỳ họp 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII xoay quanh những nội dung về giá vật tư nông nghiệp, giá bán điện, cách thức tính giá điện áp dụng cho người dân sử dụng điện sinh hoạt chưa hợp lý.
Việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc trước năm 1980 còn nhiều bất cập.
Cử tri và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn, thách thức; dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ tái phát cao; tái đàn, phục hồi phát triển chăn nuôi lợn chậm; đàn lợn nái trong nông hộ giảm mạnh; giá lợn giống đang ở mức cao, trong khi đó nguồn lực của người chăn nuôi nhiều khó khăn sau thời gian dài liên tục chịu thiệt hại khó khăn về thị trường, dịch bệnh.
“Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tái tạo đàn, hỗ trợ lợn giống để giúp bà con nông dân phát triển chăn nuôi” - bà Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh.
Đối với Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhân dân mong muốn các cấp ủy đảng cần quan tâm đến chất lượng, chú trọng đến việc lựa chọn nhân sự.
Cần tiếp tục xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, đa chiều và cần lắng nghe nhân dân để lựa chọn những cán bộ thực sự tiêu biểu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, năng lực, trí tuệ xứng đáng tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước và tỉnh nhà.
Cử tri và nhân dân Hà Tĩnh mong muốn ngành giáo dục tiếp tục có sự chỉ đạo để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp các cấp, đại học đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Nhân dân mong muốn ngành giáo dục và các cấp, ngành liên quan tiếp tục xem xét, bố trí, tuyển dụng đủ giáo viên đảm bảo công tác dạy và học ở các trường, nhất là bậc mầm non, tiểu học.
Theo quy định tại Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh thì mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố còn thấp. Không có chế độ đối với cán bộ chi đoàn, chi hội, công an viên ở các thôn, tổ dân phố gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Thực tế xảy ra ở một số địa phương hiện nay, việc lựa chọn người làm việc ở thôn, tổ dân phố là hết sức khó khăn; cán bộ cấp cơ sở không thể làm thay nhiệm vụ ở thôn, xóm được, bởi các chi hội, chi đoàn ở thôn là cánh tay nối dài, là thành phần không thể thiếu trong công tác vận động nhân dân tham gia.
Tại thời điểm yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao nhưng cán bộ chi hội, chi đoàn của các tổ chức chính trị xã hội chế độ quá thấp, việc thu đoàn phí, hội phí khó khăn dẫn đến phân tâm, lo lắng, không an tâm công tác.
“Đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, nâng mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố” - bà Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh.