Cây cam giúp dân giảm nghèo

08/07/2020 07:33

Những năm qua, người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã đưa cây cam vào trồng trên địa bàn ở các xã vùng cao để nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Cây cam giúp người dân nâng cao thu nhập.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân, trên địa bàn hiện có hơn 300 ha, các xã có diện tích trồng cam lớn nhất là Xuân Hòa 143 ha, Xuân Bình 40 ha, Bãi Trành 30 ha. Với giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg, bà con có doanh thu trên 500 triệu đồng/ha cam kinh doanh. Nhiều hộ nông dân trồng cam có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhờ cây cam trong mỗi niên vụ sản xuất.

Hiện cây cam không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình và qua đó góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam, Như Xuân và thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện Như Xuân đang quan tâm, xây dựng thương hiệu cam Như Xuân.

Hiện 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện.

Theo ông Lê Minh Hải, thôn 8, xã Xuân Hòa, trước đây ông có trồng các loại cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, sau khi được cán bộ nông nghiệp UBND xã Xuân Hoà tư vấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng cam, ông Hải đã vay vốn người thân để xây dựng vươn trồng cây cam. Tới nay ông đã có 3 ha trồng cam, ông cũng trồng các loại cây khác như bưởi, trồng rau, chăn nuôi gia súc. Hiện thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 80 triệu đồng/năm.

Nói về hiệu quả việc trồng cây cam, Ông Lê Đình Tuấn - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay, xã đang có 30 hộ trồng 173 ha cây ăn quả, trong đó có 120 ha trồng cây cam, do cây cam trồng sau 3 năm có thể thu hoạch nên những năm gần đây đã có nhiều hộ gia đình trồng nhiều diện tích cam để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ trở nên khá giả bởi giá trị lợi nhuận cao hơn rất nhiều những cây trồng khác, có hộ trồng 10 ha trở lên sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động để chăm sóc, bón phân cho cây.

Ngoài ra, thời kỳ cao điểm thu hoạch cam mỗi hộ gia đình sẽ phải thuê từ 30-40 lao động. Hiện cây cam có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, lại được thương lái vào tận vườn thu mua nên hầu hết đều được đóng thùng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Theo ông Phạm Văn Tuấn, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân thì Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng, nông lâm thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với các UBND xã và các hộ trồng cam trên địa bàn xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Trành để bàn về vấn đề phát triển trồng cam theo chuỗi liên kết và sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hướng tới hình thành vùng sản xuất cam tập trung, chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha trên địa bàn xã Xuân Hòa, Bãi Trành.

Hiện các hộ dân đã ủng hộ và có nguyện vọng tham gia xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn. Qua đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng cam, xóa đói giảm nghèo.