Nuôi gà chọi làm giàu

08/07/2020 08:00

Tới nay, tại nhiều địa phương, nuôi gà chọi làm giàu là một cách thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp  bà con phát triển kinh tế thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, muốn nuôi gà chọi theo hướng thương phẩm thì cũng rất cần nắm chắc kỹ thuật, nếu không sẽ khó thành công.

Nuôi gà chọi cho thu nhập cao.

Tại Nghệ An, có hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sâu trũng, để trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà chọi và đào ao thả cá. Có gia đình nuôi tới 300 con gà chọi. Kinh nghiệm của người chăn nuôi thành công cho biết, gà chọi là loại gia cầm khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh và đặc biệt có giá thành cao hơn nhiều so với những loại gà bình thường khác.

Người chăn nuôi cho biết, thông thường thời gian nuôi gà từ khi chúng mới nở cho đến khi có thể bán được kéo dài từ 7 đến 9 tháng, đạt trọng lượng khoảng từ 2 đến 3kg/con. Lúc đó có thể bán được gần 1 triệu đồng 1 con.

Tại bản Hưng Mai (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), có hộ chăn nuôi cũng thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng, cùng từ nuôi gà chọi. Lúc đầu, bà con cũng chỉ nuôi chơi, đem chọi nhau với gà hàng xóm cho vui. Nhưng rồi, khi nuôi gà đẻ trứng, ấp nở, chăm cho lớn, bán rất được giá. Từ đó, bà con nhân số đàn lên vài chục con chỉ từ một cặp gà bố mẹ. Để phát triển tốt đàn gà chọi, bà con đã dành một phần đất làm chuồng cho gà ở; tích trữ thóc, ngô hạt và rau xanh cho gà ăn mau lớn.

Tới nay, việc nuôi gà chọi để bán (làm thực phẩm hoặc nuôi vỗ trở thành gà chọi) đã dần phổ biến hơn. Nhưng về kỹ thuật chăn nuôi nhiều người vẫn chưa nắm vững, do đó thành công cũng không chắc chắn. Theo những người có kinh nghiệm và kỹ thuật viên chăn nuôi, thì rất cần chú ý những việc sau đây:

- Chọn và nhân giống: Đây là khâu rất quan trọng. Với gà mái, thường là chọn dòng mái tốt theo ngoại hình, thể chất (thường là những con mái dữ) và đời trước cũng như đời sau của nó có nhiều con trống đạt thành tích cao. Gà mái chọn nhân giống thường là đã đẻ một vài lứa nhưng cũng không được quá già.

-Thức ăn và dinh dưỡng: Nhìn chung, thức ăn cho gà chọi là thức ăn tự nhiên dạng nguyên, bao gồm: lúa, gạo, ngũ cốc, giun, dế, động vật thuỷ sinh, côn trùng cây cỏ… Sau 1,5 tháng tuổi thì cho ăn thêm ngô, ếch, nhái, lươn, rau, giá… Gà nuôi nhốt cần cho ăn mỗi ngày 2 lần vào 9 giờ sáng và khoảng 5 giờ chiều.

Cần lưu ý: Sau khi tách mẹ vẫn được nuôi nhốt chung, cho đến 4 tháng tuổi thì tách riêng trống, mái. Gà trống lúc này được nhốt riêng mỗi con một ô, không cho các con trống thấy mặt nhau để tránh mổ và đá nhau.

-Với gà trống: Khi gà đã gáy rõ tiếng thì bắt đầu cắt lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi; Đồng thời cắt tai, tích. Lúc này, người ta thường cho gà chọi thử một vài trận, xem con nào có khả năng đá hay thì giữ lại huấn luyện tiếp.

Cũng rất cần biết về chế độ thức ăn cho gà chọi lấy thịt (khác với những con nuôi để chọi): Có thể cho chúng ăn theo chế độ thức ăn của gà nuôi gà thịt thông thường nhưng có chọn lọc hơn. Cụ thể: Với gà con thì cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Trong thành phần cám công nghiệp cũng đã có các chất phòng bệnh cần thiết, giúp gà vừa mau lớn vừa khoẻ mạnh. Sau đó từ tầm 1 đến 2 tháng tuổi bắt đầu cho ăn quen dần với cám ngô trộn các loại thức ăn khác. Lúc này cũng có thể cho chúng ăn thêm các loại rau củ quả, như rau muống, cà chua hoặc bèo tây.

Cần biết rằng, đây là giống gà “hung hăng”, nên khi làm chuồng cần có khu riêng: Gà con nuôi 1 khu, gà trống nuôi 1 khu và gà mái nuôi 1 khu. Cần phân chia các khu, các ô bằng các loại lưới mắt cáo nhỏ. Nếu dùng mắt lưới quá to gà sẽ thường xuyên thò đầu cổ ra ngoài và mổ nhau. Như thế sẽ không tốt cho việc nuôi gà.