Không để hiện tượng 'doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ'
Chủ tịch Mặt trận TP HCM cho rằng, cần phải gỡ khó và có cơ chế mở cứu doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ”.
Tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020, được tổ chức sáng nay (8/7), Mặt trận các địa phương đều bày tỏ sự đồng tình với Nghị quyết về triển khai cuộc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 được hệ thống Mặt trận Thủ đô đặt lên hàng đầu. Với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận thành phố đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra của công tác Mặt trận, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, vận động nhân dân ủng hộ khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch, Mặt trận các cấp trên địa bàn đã triển khai hiệu quả việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong chi trả hỗ trợ đến người dân.
Bày tỏ sự đồng tình với Nghị quyết về triển khai cuộc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận trong phòng chống dịch cần đẩy mạnh hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ về vai trò của Mặt trận tham gia giám sát việc chi trả cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thành lập 18 đoàn giám sát và 425 đoàn giám sát ở cấp huyện để đảm bảo việc triển khai gói 62.000 tỷ đến đúng đối tượng và không xảy ra sai sót.
Từ thực tế giám sát, bà Tô Thị Bích Châu cho rằng, việc triển khai hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hiện chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà. Chính bởi vậy, cần phải gỡ khó và có cơ chế mở cứu doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ”.
Bà Châu cũng kiến nghị Trung ương kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nông dân. Về phía Hội nông dân có thể xem xét hỗ trợ vay vốn để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh và tập trung nguồn lực phát triển, phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trung ương GHPG Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc quảng bá hàng Việt tại các cơ sở thờ tự.
Bên cạnh đó GHPG Việt Nam cũng kêu gọi các chùa, di tích lịch sử tân trang, đón tiếp bà con nhân dân đến du lịch, đảm bảo sinh hoạt tâm linh để thúc đẩy kích cầu du lịch trong nước theo hướng “Người Việt Nam đi du lịch ở Việt Nam”.