Hội thảo ‘Huế-Kinh đô Áo dài Việt Nam’
Chiều ngày 8/7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Huế-Kinh đô Áo dài Việt Nam”.
Đại diện Bộ VH,TT&DL, Hội LHPN Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, nghiên cứu, thiết kế và doanh nhân tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Huế từng là Thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là kinh đô triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn, nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh thần, đặc sắc của cả nước từ mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực đến trang phục, trong đó có Áo dài truyền thống lưu lại những giá trị văn hóa di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ của dân tộc Việt Nam.
Việc tổ chức hội thảo lần này, trước tiên là một hoạt động tri ân công lao khai sáng Áo dài Việt Nam của chúa Nguyễn Phúc Khoát; đồng thời tri ân vua Minh Mạng, người có công lớn trong việc phổ biến Áo dài trở thành Quốc phục của Đại Nam. Từ đó khẳng định Huế là “chiếc nôi” của Áo dài Việt Nam.
Trình bày tại hội thảo, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trình bày tư liệu liên quan đến công cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, qua đó chứng minh việc cải cách trang phục nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa, tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển Áo dài và dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam.
Trong tham luận của mình, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt đã nhấn mạnh nguyên nhân khiến Áo dài của đàn ông (áo ngũ thân) bị lãng quên; đồng thời nêu lên thực trạng may mặc Áo dài ở Huế; qua đó đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của trang phục này trong bối cảnh hiện nay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong tham luận “Huế-Chiếc nôi của Áo dài Việt Nam” đã khẳng định, trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh ở Kinh thành Phú Xuân, Huế đã dần dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam.
TS Lê Thị Ái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thông qua thư tịch (từ 1558-1945) đã chứng minh, mặc dù có thay đổi qua mỗi giai đoạn lịch sử và vùng miền nhưng chính Áo dài là bản sắc trang phục Việt Nam.
Qua tổng hợp, phân tích từ 100 công trình nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam, nhóm tác giả của Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế xem đây là cơ sở quan trọng để ban hành các chính sách bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Áo dài gắn với phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh đương đại.
Thông qua hội thảo, hy vọng sẽ tạo tiền đề xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.