Đầu tư vào vàng thời điểm này hết sức mạo hiểm
Sau khi lập đỉnh 50 triệu đồng/ lượng, giá vàng ngày 8/7 tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thông thường, giá vàng tăng đỉnh điểm, thị trường sẽ chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi bán vàng. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường ngày 8/7 cho thấy, người bán vàng không nhiều trong khi xu hướng đầu tư vào vàng lại gia tăng.
Tới 14h30 ngày 8/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 49,980 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,130 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,270 triệu đồng/lượng (bán ra).
Lúc 9h sáng 8/7, giá Vàng Rồng Thăng Long giao dịch quanh mức 49,63-50,23 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 270.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên liền trước. Giá vàng SJC được Tập đoàn Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức: 50,05 - 50,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 160.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 220.000 đồng/ lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày 7/7.
Tại thị trường thế giới, lúc 9h ngày 8/7 (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới giao ngay quanh ngưỡng 1.794 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng, giá vàng thế giới có giá 50,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 600 nghìn đồng so với giá vàng trong nước.
Ghi nhận của PV trên thị trường vàng ngày 8/7 cho thấy, kim loại quý này dù có xu hướng tăng mạnh nhưng các nhà đầu tư lại không đổ xô bán vàng như quy luật thông thường. Ngược lại, họ lại có xu hướng mua vào nhiều hơn.
Chị Trần Minh Thu (Đại Cồ Việt, Hà Nội) cho hay, chị nghe ngóng thông tin thấy giá vàng có thể tiếp tục tăng trên cả ngưỡng 50 triệu đồng/ lượng nên quyết định đi mua vài cây vàng (lượng). Theo chị Thu, trước đến nay chị vẫn coi vàng là kênh “trú ẩn” an toàn nên vẫn rất tin tưởng đổ tiền vào thứ kim loại này. Ngược lại, anh Trần Quyết Thắng (Ba Đình, Hà Nội) lại mang 3 cây vàng đi bán, vì theo anh, giá vàng lên mức 50 triệu đồng/ lượng là đã quá cao rồi, khó có thể tăng tiếp nữa nên bán vàng thời điểm này là hợp lý.
Nêu nguyên nhân đẩy giá vàng leo dốc không ngừng, đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, giá vàng gia tăng trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã gần 12 triệu và hơn 545 nghìn người tử vong. Tại Mỹ, số ca nhiễm đã vượt qua cột mốc 3 triệu, nhiều bang ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục. “Nếu tình hình dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài thì khả năng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu dự báo.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, giá vàng tăng “sốc” và lập đỉnh cao nhất trong lịch sử 8 năm, là bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, bội chi ngân sách, đồng tiền giảm giá trị khiến giá vàng tăng. Giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước bị đẩy lên theo đà giá thế giới. Tuy nhiên, theo lời khuyên của vị chuyên gia, người dân không nên đổ xô mua vàng thời điểm này. Bởi, dù chưa thể khẳng định vàng có tiếp tục tăng cao nữa hay không song, với những diễn biến về dịch bệnh trên thế giới hiện nay, không có gì là chắc chắn đối với kênh đầu tư này.
“Người ta lo ngại dịch bệnh bùng phát và tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, nhưng rất có thể thế giới sớm tìm ra vắc –xin trị bệnh Covid-19, hoặc các quỹ đầu tư của thế giới khi thấy giá vàng lên cao họ sẽ bán bớt vàng đi để dùng tiền vào việc hỗ trợ dịch bệnh… khi đó giá vàng sẽ hạ xuống. Như vậy, không thể nói trước được điều gì với loại mỹ kim này”, ông Hải nhận định và đưa ra khuyến cáo, giá vàng lên mốc 50 triệu đồng/ lượng là mốc đỉnh điểm rồi, nên nếu có vàng người dân nên bán ra thay vì mua vào, lấy tiền đó gửi tiết kiệm, như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều.
“Giá vàng vẫn luôn luôn biến động không ngừng, do đó đây vẫn là kênh ẩn chứa nhiều rủi ro”, ông Hải nói.