Thiệt hại thiên tai, ai chịu trách nhiệm?
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó: 186 trận dông, lốc, mưa lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng…“Đến hẹn lại lên”, mỗi mùa mưa bão những con số thiệt hại về người và của vẫn lặp đi lặp lại, trong khi các giải pháp ứng phó còn bộc lộ nhiều bất cập. Và dư luận đặt câu hỏi, để xảy ra thiệt hại do thiên tai, ai là người phải chịu trách nhiệm?
6 tháng, thiệt hại lên tới hơn 3 nghìn tỷ đồng
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cũng vừa thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó: 186 trận dông, lốc, mưa lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL. Tính trong 6 tháng, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 7.955 con gia súc, gia cầm chết.
Ước tính thiệt hại về kinh tế đã lên tới 3.383 tỷ đồng. Đặc biệt, trong các loại hình thiên tai, dông, lốc, mưa đá xảy ra liên tiếp, trên diện rộng, tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và một số nơi chưa từng xảy ra như TP HCM. Trong năm 2019 thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam cũng rất lớn với 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, nhưng đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 với con số ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, “đến hẹn lại lên”, mỗi mùa mưa bão những con số thiệt hại về người và của vẫn lặp đi lặp lại, trong khi các giải pháp ứng phó còn bộc lộ nhiều bất cập. Mới đây, tại một hội nghị về tình hình thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nêu thực trạng: Hiện một số hệ thống công trình phòng chống thiên tai, một số chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, cơ sở dữ liệu phục vụ cho chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, hoặc còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác cảnh báo, dự báo sớm thiên tai còn nhiều bất cập.
Cùng với đó, nguồn lực dành cho công tác phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường song vẫn chưa truyền tải được kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều lĩnh vực trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai chưa được nghiên cứu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, khả năng ứng dụng chưa cao.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Tuy nhiên, có thể thấy, phần nhiều những hạn chế kể trên vẫn là “điệp khúc” tại các hội nghị mà các bộ, ngành, địa phương liên quan ngồi cùng nhau trước mỗi mùa mưa bão. Trong khi người dân mong muốn có những có giải pháp bền vững, lâu dài nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm.
Đáng lưu ý, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) của Việt Nam hiện nay được đánh giá ở mức trung bình. Khoa học dự báo của Việt Nam, dù đã có nhiều tiến bộ so với trước kia nhưng việc dự báo thời tiết vẫn còn sai số do nhiều nguyên nhân như: Hệ thống quan trắc KTTV chưa đáp ứng được yêu cầu, công nghệ chậm được đổi mới, còn nhiều trạm quan trắc thủ công…Có thể nói công tác dự báo thời tiết, thiên tai, lũ lụt còn nhiều bất cập và hạn chế khiến công tác phòng chống thiên tai khó có thể hiệu quả như mong muốn.
Với những sai lệch trong dự báo dẫn đến thiệt hại về người và tài sản như vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm và phải xử lý như thế nào, là điều được dư luận xã hội quan tâm.
Theo một số luật sư, những điều này cần phải được quy định rõ trong luật để quản lý tốt hơn, tránh xảy ra những điều không mong muốn. Vẫn biết rằng dự báo chỉ mang tính chất “dự” là chính do diễn biến phức tạp, khó lường của nó, thế nhưng không phải vì thế mà khi xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì chẳng có ai phải chịu trách nhiệm.
Do vậy, công tác quản lý nhà nước trong dự báo nói riêng và các công tác KTTV nói chung cần thắt chặt hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa, tránh để tình trạng dự báo sai xảy ra nhiều lần, gây hậu quả nặng nề.
Như vậy, vấn đề cấp bách là cần sớm cải tổ và khắc phục công tác dự báo. Phải cụ thể hóa các chế tài xử lý những sai phạm trong ngành, khắc phục, loại bỏ những tồn đọng không đáng có. Cũng như cần phải thay đổi, bổ sung hệ thống pháp luật chuyên ngành phù hợp hơn với yêu cầu thực tế đặt ra.
Từ thực trạng trên cho thấy, các giải pháp ứng phó với thiên tai thời gian qua còn nhiều hạn chế đòi hỏi bộ, ngành, địa phương liên quan phải đưa ra những giải pháp ứng phó lâu dài và bền vững, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nói như GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu thì phải có cái nhìn tổng thể và hành động mang tính chiến lược với hoạt động này. Việc cảnh báo, đặc biệt là cảnh báo sớm và chính xác khu vực, thời gian xảy ra thiên tai là vô cùng quan trọng, để tránh cách làm hiện nay là “chạy theo”, khi xảy ra rồi mới bắt đầu phòng chống, thì đã muộn.
“Việt Nam là quốc gia ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đây cũng là xu hướng gia tăng trong tương lai, các hiện tượng thời tiết khó dự báo, nước biển dâng,.. Vì vậy, cần có sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp thiết bị, công nghệ và đào tạo nhân sự, chuyên gia cho công tác dự báo, cảnh báo” - ông Matti Tervo, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội khuyến cáo.