Tiêm chủng trên diện rộng: Ngăn chặn sự lây lan của dịch bạch hầu
Dự kiến, trong ngày 9/7, Bộ Y tế sẽ tổ chức triển khai chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng ở Tây Nguyên. Tại cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu vừa được tổ chức, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như chúng ta đã từng cố gắng để phòng chống dịch Covid-19.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.
Ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu. Theo đó, giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Theo ông Long, đây là việc cấp bách, với trẻ em từ 2- 4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vắc xin phòng bệnh và tiêm nhắc lại vắc xin 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 -24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi, còn với người lớn tiêm vắc xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
Cùng với đó là yêu cầu rà soát, lập danh sách những người dân trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm; tập huấn cán bộ. Việc này phải triển khai ngay và nhanh để đạt hiệu quả cao. Phải tiêm diện rộng mới giải quyết được bài toán bạch hầu.
Về vắc xin phòng bệnh, Việt Nam đảm bảo được, tuy nhiên hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước (4 tỉnh Tây Nguyên), sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ.
Ông Long giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác của điều trị vào “nằm vùng” ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở đấy điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ví dụ trong xã có người mắc thì lập tức trong xã mọi người phải uống thuốc dự phòng – cách an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã có người mắc (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần)…
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng phải giám sát việc này chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng về việc xuất cấp khẩu trang với các địa phương này.
Ông Long nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, cần tập trung cao độ cho điều trị, trong đó giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để thực hiện; Rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men. Giao Vụ Kế hoạch Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho chương trình Tiêm chủng mở rộng; đề xuất cấp kinh phí chống dịch cho 4 tỉnh có dịch từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế. Đặc biệt, khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của khu vực này, cài BlueZone cho khu vực này.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 862/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Đồng thời, xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai yêu cầu tăng cường công tác phòng và chữa trị bệnh bạch hầu.
Tiếp tục ghi nhận nhiều ca dương tính với bạch hầu tại Đắk Nông, Gia Lai
Sáng 8/7, ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác nhận, đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 28 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 3 huyện Krông Nô, Đắk G’long và Đắk R’lấp của tỉnh Đắk Nông. Trong đó, huyện Krông Nô có 11 ca, Đắk G’long 14 ca và Đắk R’lấp 3 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, có 2 trường hợp là Sùng Thị H. và Giàng A Ph. (cùng trú tại huyện Đắk G’long) đã tử vong.
Trong số các ca nhiễm bạch hầu, hiện có 10 ca đã xuất viện, còn 16 ca bị nhiễm ở mức độ nhẹ và trung bình, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô.
Theo ông Hùng: Trong số 28 ca dương tính ở Đắk Nông, có 5 ca người lành mang trùng (những người này hoàn toàn bình thường, không có các triệu chứng gì, lại mang bệnh). Bạch hầu không nhất thiết phải tìm ra F0, quan trọng nhất là phải tìm cho ra ca mắc mới và xử lý ngay.
Tại các tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 23 ca, tỉnh Gia Lai 15 ca và tỉnh Đắk Lắk 1 ca dương tính với bạch hầu.
Khánh Ngọc