Nam Định: Đời sống của nhiều người lao động vẫn rất khó khăn
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh đã cố gắng giải quyết các chính sách trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đời sống của nhiều người lao động trong tỉnh hiện vẫn đang rất khó khăn, nhất là những người bị mất việc làm...
Sáng 9/7, thông tin về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2020 tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa 18, trong phần đề xuất, kiến nghị, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, ông Đoàn Văn Hùng, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cử tri và nhân dân Nam Định cũng đang rất lo lắng trước việc dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống.
Trong đó, dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ở tỉnh gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Hệ lụy của việc này là nhiều lao động phải nghỉ việc, làm việc luân phiên, không có lương hoặc thu nhập rất thấp, nhất là lao động trong các ngành dệt may, dịch vụ, du lịch, vận tải, giáo viên ngoài công lập. Trong khi đó, giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống trên thị trường ngày càng tăng cao…
“Mặc dù các cơ quan của tỉnh đã cố gắng giải quyết các chính sách trợ cấp nhưng đời sống của nhiều người lao động trong tỉnh hiện vẫn rất khó khăn, nhất là những người bị mất việc làm. Điều này đang gây nhiều lo lắng trong nhân dân tỉnh nhà”, ông Hùng nói.
Trước thực trạng trên, ông Đoàn Văn Hùng cho biết cử tri, nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để các doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn.
Có các giải pháp hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư về tỉnh đầu tư; chú trọng, thực hiện đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác giám sát của các cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí để MTTQ cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ giám sát này. Có hình thức biểu dương, khen thưởng những điển hình trong phòng, chống dịch bệnh...
Trước đó, trong báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tại kỳ họp, phần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự cho biết tính đến ngày 25/6, tỉnh Nam Định đã cơ bản hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ ảnh hưởng do dịch cho 4 nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo (tổng số 249. 463 người, 274 tỷ đồng kinh phí).
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách, bổ sung kinh phí hỗ trợ cho 6.657 người thuộc diện lao động bị tạm hoãn hợp đồng; bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng bị mất việc làm; hộ kinh doanh, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 6,720 tỷ đồng.
Trong số lao động trên có tới 6.492/6.657 người thuộc diện lao động không có hợp đồng bị mất việc làm. Việc hỗ trợ nhóm đối tượng này tỉnh đang trong quá trình chi trả kinh phí...