Nông sản Việt vào các thị trường khó tính
Việc xuất khẩu nông sản quy mô ngày càng lớn cũng đồng nghĩa với yêu cầu sẽ khắt khe hơn với những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên số vụ vi phạm cũng cho thấy vẫn còn những khó khăn, thách thức…
Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tập trung mạnh mẽ vào công tác đàm phán kỹ thuật thúc đẩy mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc trong thương mại nông sản, góp phần tăng trưởng xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế, cũng như tiêu tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ này đã giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm.
Đơn cử như Nhật Bản đã nhập khẩu vải của Việt Nam. Bên cạnh đó Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 5 cơ sở bao gói và 62 cơ sở nuôi tôm sú/thẻ chân trắng, 5 cơ sở bao gói và 55 cơ sở nuôi tôm hùm, cua sống của Việt Nam. Đặc biệt, EU đã chấp thuận bổ sung 2 vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ mới. Liên bang Nga chấp thuận bổ sung 3 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu...
Tính đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra... Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước. Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.
Để có được kết quả trên, ngoài nỗ lực đàm phán, thì vai trò quan trọng, mang tính quyết định vẫn là kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng nông sản. Hiện cả nước đã có 170 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, với hơn 4.800 doanh nghiệp được chứng nhận. Có hơn 600 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích gần 6.400 ha nuôi trồng được cấp chứng nhận VietGAP. 792 trang trại và 2.500 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 58,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt tiêu chí bảo đảm ATTP.
Đến thời điểm này, đã có 1.711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Về nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến nay toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển được 1.612 chuỗi, 2.346 sản phẩm, 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp cũng đã kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 7/1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP; 87/812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật; 3/1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh. Không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 939 mẫu thịt lợn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt trên 12 tỷ đồng...
Việc phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm đã khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nông lâm thủy sản nội địa. Nhưng con số vi phạm cũng cho thấy vẫn còn những khó khăn, thách thức buộc phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề ATTP.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nông sản Việt đang ngày càng khẳng định được chất lượng khi chinh phục được các thị trường yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần nỗ lực, trong ngành nông nghiệp là 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, khó kiểm soát chất lượng, ATVSTP một cách đồng đều. Việc xuất khẩu nông sản quy mô ngày càng lớn cũng đồng nghĩa với yêu cầu sẽ khắt khe hơn với những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là ATVSTP.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hứa: Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế trên cơ sở tập trung đổi mới công tác quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ để không gây phiền hà cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Tính đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra... Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.