Nắng nóng - Bệnh nhân nhập viện tăng mạnh
Thời tiết nắng nóng như chảo lửa những ngày qua tại Bắc Bộ và Trung Bộ đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi và trẻ em. Ghi nhận từ các bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng mạnh.
4.000 trẻ em tới khám ngày cao điểm
Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng đáng kể. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Khoa Cấp cứu A9 mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân vào viện điều trị các chứng bệnh liên quan tới nắng nóng như sốc nhiệt, say nắng, hay các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Đặc biệt, đã có một bệnh nhân bị tổn thương não nặng do làm việc liên tục trong thời tiết nắng nóng. Được biết bệnh nhân là nam, 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, da khô, không tiếp xúc được. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não. Mặc dù được cứu sống nhưng bệnh nhân chịu tổn thương não nghiêm trọng.
Ngoài bệnh nhân trên, Khoa Cấp cứu A9- BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nam 62 tuổi có tiền sử cao huyết áp bị đột quỵ ngay trong đêm. Khi nhập viện, bệnh nhân đã liệt nửa người và rơi vào tình trạng hôn mê.
Tại BV Lão khoa Trung ương, trong thời điểm nắng nóng hiện nay, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị đã tăng 150% so với bình thường. Mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận trung bình 30 - 40 bệnh nhân, trong đó có không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch như tai biến mạch máu não, viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy...
Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Hà Nội những ngày gần đây cũng phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng đột biến vào thăm khám. Đặc biệt, các bệnh liên quan tới nhiệt độ có xu hướng tăng, như đường huyết tăng, cao huyết áp, suy tim. Các bác sĩ tại bệnh viện này cho biết thời tiết cực đoan sẽ tác động xấu đến sức khỏe người già.
Ngoài người già, trẻ em cũng nằm trong nhóm dễ bị tổn thương bởi thời tiết nắng nóng. Đại diện Phòng khám BV Nhi trung ương cho hay mỗi ngày BV phải tiếp nhận 2.500 - 3.500 trẻ đến thăm khám. Có thời điểm quá tải, phải tiếp nhận 4.000 trẻ đến khám mỗi ngày.
Tại Trung tâm các bệnh lâm sàng nhiệt đới trẻ em, BV Nhi trung ương cũng đã có thêm các trường hợp viêm não các thể nhập viện trong khoảng thời gian gần đây. Đáng chú ý trong số này là bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Được biết, viêm não Nhật Bản hay gặp ở trẻ từ 15 tuổi trở xuống.
Chủ động phòng chống
Cùng với việc sốc nhiệt, những hệ lụy từ nắng nóng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới da và mắt. Trưởng phòng công tác xã hội BV Da liễu trung ương Đặng Bích Diệp cho hay, những ngày nắng nóng này số người đến khám và điều trị các bệnh về da tại bệnh viện tăng 15-20%.
BS Lê Mạnh Đức, Phó Giám đốc BV Bưu điện kiêm Trưởng Khoa Mắt của bệnh viện cho biết, trong những ngày nắng nóng, vấn đề người dân hay gặp phải nhất đó là chứng khô mắt. Điều này xảy ra là do nền nhiệt cao khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh.
Đặc biệt, ở đối tượng dân văn phòng làm việc nhiều với máy tính và thường xuyên trong phòng máy lạnh thì vấn đề khô mắt rất phổ biến. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 95% dân văn phòng ở Việt Nam mắc chứng khô mắt. Tình trạng này nếu cứ để kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng mắt.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng đã tạo ra nhiều yếu tố nguy cơ làm bệnh lý nền mà người dân đang mắc trở nên bất ổn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng không phải yếu tố trực tiếp gây bệnh mà chỉ là yếu tố gián tiếp khiến bệnh nền của nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái không ổn định.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, Bộ Y tế vừa yêu cầu về việc đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện/Viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và triển khai xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các quận, huyện, xã, các cơ sở y tế trên địa bàn. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, quản lý tốt các nguồn bệnh lây nhiễm; xử lý rác thải, chú trọng phòng chống dịch bệnh tả, lỵ, sốt xuất huyết, chân tay miệng…Rà soát, bổ sung nguồn thuốc, dịch truyền, vật tư y tế dự trữ phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết trong mùa nắng nóng.
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng, người dân nên giảm thời gian tham gia giao thông, làm việc ngoài trời trong khung giờ 12 - 16h. Người cao tuổi, mắc bệnh tim mạch, huyết áp... không di chuyển đột ngột từ nơi có điều hòa không khí ra ngoài trời và ngược lại. Trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, mỗi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa,… Khi từ nơi nắng nóng nhiệt độ cao về nhà không nên tắm ngay bằng nước lạnh mà nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp.