Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Biểu tượng sáng ngời của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành tấm gương cao đẹp của một trí thức yêu nước nhiệt thành, một nhà lãnh đạo kiên trung đã hiện thực hóa tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-24/12/1996) từng cho biết, câu danh ngôn mà ông tâm đắc nhất là của nhà bác học Pháp Louis Pasteur: “Khoa học không có Tổ quốc, nhưng nhà khoa học phải có một Tổ quốc”. Ông lý giải, ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Và, cuộc đời ông đã thể hiện một cách sinh động, vẹn toàn, sáng ngời chân lý đó. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành tấm gương cao đẹp của một trí thức yêu nước nhiệt thành, một nhà lãnh đạo kiên trung đã hiện thực hóa tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”…
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống yêu nước Bến Lức, Long An, sau 12 năm du học, tháng 5/1933, nhà trí thức trẻ Nguyễn Hữu Thọ rời nước Pháp trở về quê hương để bắt đầu công việc của một luật sư có tư tưởng tiến bộ ở miền Nam. Đến tuổi 30, ông nhanh chóng trở thành một luật sư danh tiếng cả về tài năng và đức độ, với tấm lòng yêu nước, thương dân, luôn đứng về phía quần chúng, bênh vực lẽ phải. Những năm 1941-1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bùng nổ thu hút nhiều trí thức tiến bộ tham gia cách mạng. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sớm trở thành hiện tượng “ông luật sư hòa bình”.
Ông đã từ bỏ chức vị Chánh án Tòa án Vĩnh Long để hành nghề luật sư tự do, dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng một cách công khai, hợp pháp trong lòng chính quyền chế độ cũ. Ông kêu gọi, vận động quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên, sinh viên trí thức đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Không quản ngại khó khăn gian khổ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tích cực tham gia vào các phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, vận động cứu tế nạn đói ở miền Bắc…
Đến Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở nhà thành trí thức mạnh mẽ ủng hộ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Tích cực tham gia có hiệu quả vào hoạt động cách mạng, ngày 16/10/1949 trở thành dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời của luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Dấu mốc để luật sư Nguyễn Hữu Thọ kiên trung bước tiếp trên con đường hoạt động cách mạng đầy gam go, thách thức với lộ trình từ một trí thức yêu nước chân chính đến với con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người cộng sản dấn thân vì nước, vì dân. Như sau này, ông từng chia sẻ: “Những sự kiện trọng đại đó làm thay đổi cả nếp sống, nếp suy nghĩ của mình”.
Có thể nói, bắt đầu những năm 50 của thế kỷ 20, “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” làm dậy sóng phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân miền Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành ngọn cờ, lãnh đạo, tổ chức đoàn kết và đi đầu các giới đồng bào phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, đấu tranh ngay tại Sài Gòn-Chợ Lớn đòi tự do, dân chủ và đòi chính quyền tay sai nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Giơnevơ (1954) thống nhất đất nước.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành tâm điểm có sức hiệu triệu tập hợp quần chúng nhân dân, khiến chính quyền thực dân và tay sai dùng mọi thủ đoạn phi nghĩa để tách ông ra khỏi đồng bào. Thế nhưng khí tiết của một nhà trí thức yêu nước, người cộng sản kiên trung đã giúp luật sư Nguyễn Hữu Thọ vượt qua hàng chục năm bị đầy ải khắp 3 miền của đất nước, chịu “thiếu ăn, thiếu uống, thiếu thuốc men chết dần chết mòn” ở Lai Châu (1950), Sơn Tây (1952), Sài Gòn (1954), Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955-1961). Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khẳng định: “Đó chính là điều làm cho bè bạn, đồng chí, đồng bào kính trọng, làm kẻ thù kiêng nể, coi quá trình hoạt động của đồng chí như một “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”.
…đến nhà lãnh đạo vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng, trở thành người cộng sản Việt Nam với sự tin tưởng và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện mục tiêu vì dân tộc và con người Việt Nam với tư tưởng đại đoàn kết của Người. Khi được giải thoát khỏi chốn lao tù để trở về vùng giải phóng (1961) ở miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục bắt tay ngay vào việc tổ chức đoàn kết nhân dân đấu tranh, phát triển lực lượng chính trị cho cách mạng với một tinh thần và tính sáng tạo vượt trội. Chí khí cách mạng kiên cường, sự thông minh thiên bẩm, phẩm chất đạo đức cá nhân sáng ngời là những nhân tố quan trọng làm nên một Nguyễn Hữu Thọ lãnh lấy sứ mệnh cao cả, giương cao ngọn cờ tập hợp mọi lực lực lượng yêu nước ở miền Nam đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Từ một trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, đế quốc, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành lãnh tụ của phong trào cách mạng quần chúng, là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ đoàn kết các giới đồng bào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Ông trở thành nhân vật lịch sử đóng góp quan trọng vào tiến trình đẩy nhanh sự phát triển khối đại đoàn kết dân tộc ở miền Nam trong sự nghiệp hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trên phạm vi cả nước.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng là người tiếp tục đóng góp quan trọng vào tiến trình thống nhất đất nước trên mọi phương diện. Tại Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước (15/11/1975), luật sư Nguyễn Hữu Thọ phát biểu: “Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ta, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh là lịch sử một nước thống nhất, một dân tộc thống nhất đấu tranh không ngừng để dựng nước và giữ nước”.
Ông khẳng định: “Thống nhất nước nhà vừa là nguyện vọng thiết tha bậc nhất của đồng bào cả nước vừa là quy luật khách quan của sự phát triển của dân tộc Việt Nam”. Trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam, vẫn vang mãi lời hiệu triệu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ gửi tới mọi giới đồng bào: “Trước Tổ quốc, trước Đảng, chúng ta hãy cùng nhau hứa: Đoàn kết, quyết thắng”.
Trải qua những cương vị, trọng trách như: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chính kiến và những cống hiến không mệt mỏi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần to lớn vào sự ra đời Mặt trận thống nhất dân tộc chung của cả nước - MTTQ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tin tưởng và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện tư tưởng đó rất thành công trong thực tiễn. Ông đã hiện thực hóa tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong việc tập hợp nhân tài phục vụ cho sự nghiệp của Đảng vì lợi ích của dân tộc và con người Việt Nam. Ông còn cho thấy tầm quan trọng về phẩm chất của những người lãnh đạo, tổ chức thực hiện đoàn kết dân tộc. Cùng với sự trung thành suốt đời với lợi ích của dân tộc được biểu hiện trong thực tiễn, những nhà lãnh đạo và tổ chức thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân phải là những tấm gương sáng trong cuộc sống, có sức hút và tập hợp nhân dân bằng chính tài năng và uy tín cá nhân mà hạt nhân là phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có thể nói, ông là một trong những nhà lãnh đạo kế tục Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã thực hiện thành công trong thực tiễn quan điểm “Chính trị là: 1-Đoàn kết. 2-Thanh khiết” bằng những cống hiến hiệu quả cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc và cuộc sống đạo đức cách mạng trong sáng của mình
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng cuộc đời để hoạt động cho mục tiêu vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Và, cả cuộc đời của ông cũng đã gắn liền với việc tổ chức thực hiện tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, góp phần to lớn cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông mãi là một tấm gương sáng ngời và là một biểu tượng đoàn kết dân tộc để các thế hệ học tập, noi theo.