Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng
Theo ThS.BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, thời tiết nắng nóng bất thường, khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Tính trung bình mỗi ngày, khoa Nội Nhi tổng hợp – Bệnh viện (BV) E tiếp nhận khám và điều trị từ 40-50 bệnh nhân nhi. Trong đó, 3 tuần gần đây, Khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh tay chân miệng.
Cá biệt riêng ngày 7/7, ngoài các trường hợp điều trị ngoại trú, khoa chúng tôi tiếp nhận 4 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 2, với những biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng như sốt cao không giảm, li bì...
BS Trương Văn Quý lý giải, nguyên nhân bệnh tay chân miệng đến từ virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Là virus đường ruột nên chúng tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ. Đặc biệt, đối với những nơi tập trung trẻ em như trường học, khu vui chơi... sẽ tồn tại nhiều virus gây bệnh.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc tay chân miệng có thể tái mắc sau đó. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cũng theo BS Trương Văn Quý, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Đáng lo ngại là dịch bệnh này lây lan với tốc độ khủng khiếp. Trong lớp học có 1 bé bị mắc bệnh thì cả lớp đó có thể bị lây nhiễm.
Phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, BS Quý đưa ra khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Để tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian gần đây, Sở Y tế Hà Nội cũng ra văn bản 3957/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và cả bệnh bạch hầu.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 329 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tương đương với cùng kỳ của năm 2019, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng trong hai tuần gần đây.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu và tay chân miệng cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng và tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối với những loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.
Với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tránh bỏ sót đối tượng. Yêu cầu phòng bệnh bạch hầu bằng cách đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người mắc bệnh phải được đến khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế.