Những phiên tòa cuối cùng về Đức quốc xã

Đình Tú 11/07/2020 09:30

Sau 75 năm, các công tố viên Đức đã đề nghị mức án 3 năm tù đối với Bruno Dey, một cựu cai ngục của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là một trong những phiên tòa cuối cùng xét xử “những tàn dư tội ác của chủ nghĩa phát xít”.

 Bruno Dey hầu tòa và bị kết án vào ngày 6/7.
Bruno Dey hầu tòa và bị kết án vào ngày 6/7.

1. Bruno Dey, 93 tuổi, cựu cai ngục trong một trại tập trung của Đức quốc xã đã bị cáo buộc có liên quan tới việc giết hại 5.230 người khi làm cai ngục ở trại tập trung Stutthof gần khu vực Danzig, hiện là thành phố Gdansk của Ba Lan. Trùm phát xít Hitler đã ra lệnh xây dựng trại Stutthof năm 1939 với mục đích ban đầu là giam giữ các tù nhân Ba Lan.

Tuy nhiên sau đó, Đức quốc xã đã giam giữ tới hơn 11 vạn tù nhân, trong đó có nhiều người Do Thái và hơn một nửa số tù nhân (khoảng 65.000 người) đã chết trong trại này. Nơi này cũng được coi là trại tập trung đầu tiên của Đức quốc xã bên ngoài biên giới Đức.

Theo các công tố viên của Đức, Bruno Dey bị điều tra sau vụ việc vào năm 2011, khi một cựu cai ngục của trại tập trung khác ở Sobibor là John Demjanjuk bị cáo buộc tham gia vào “cỗ máy chết chóc”, khiến gần 30.000 người Do Thái bỏ mạng tại khu trại và bị kết án 5 năm tù. Người này đã qua đời sau đó một năm ở tuổi 91. Vụ việc đã trở thành một án lệ và mở ra khả năng tiến hành thêm nhiều vụ xét xử khác đối với những người từng làm cai ngục tại các trại tập trung Đức quốc xã, trong đó có Bruno Dey.

2. Theo nhật báo Die Welt, Bruno Dey, cư trú tại Hamburg làm cai ngục cho trại tập trung Stutthof lúc mới khoảng 17-18 tuổi. Sau chiến tranh, Bruno Dey trở thành một thợ làm bánh và sinh sống tại Hamburg , kết hôn và có 2 con gái, làm nghề lái xe tải và làm thêm trong lĩnh vực bảo dưỡng công trình.

Trong suốt 6 năm (từ 1939-1945), Bruno Dey bị cáo buộc đã tham gia vào việc tra tấn và giết hại hàng ngàn tù nhân. “Hơn 70 năm sau phiên gác cuối cùng của mình, Bruno Dey cuối cùng cũng phải đối mặt với công lý”, các nhật báo của Đức đưa tin hồi năm 2018.

Năm 2018, các công tố thành phố Hamburg bắt đầu điều tra từng thẩm vấn Bruno Dey. Tuy Bruno Dey không phủ nhận sự hiện diện của mình tại trại tập trung Stutthof nhưng bị cáo khẳng định chưa bao giờ là thành viên của Đức quốc xã và chỉ làm việc tại tiểu đoàn SS-Totenkopfsturmbahn - đơn vị vận hành trại tập trung do mắc bệnh về tim.

Gần 1 năm khi tiến hành các cuộc điều tra, các công tố viên của Đức đã có được lời khai của Bruno Dey thừa nhận rằng mình muốn quên đi quãng thời gian ở trại diệt chủng. “Tôi không mang theo mình cảm giác tội lỗi vì những điều đã xảy ra khi đó. Tôi không hề góp phần vào các hành động ấy, ngoài việc đứng gác. Tôi bị buộc phải làm như vậy, đó là mệnh lệnh”, Bruno Dey cho biết.

Phiên tòa đầu tiên mở vào giữa năm 2019, Bruno Dey nói mình biết về các căn buồng gây ngạt khí ga và cũng thừa nhận đã chứng kiến “những gương mặt hốc hác, những người đang phải chịu đựng đau khổ của tù nhân trong trại tập trung Stutthof”. “Tuy nhiên, y vẫn khăng khăng rằng mình vô tội”- Trưởng công tố Lars Mahnke nói.

3. Cho đến tận phiên tòa tháng 5 vừa qua, các công tố viên đã chính thức cáo buộc Bruno Dey biết rõ về việc “giết người hàng loạt có tổ chức” xảy ra xung quanh và đã nhúng tay vào những tội ác không thể dung thứ, gây ra sự kinh hoàng và nỗi hổ thẹn. Thời gian Bruno Dey phục vụ tại khu trại trùng với thời điểm diễn ra “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái” - kế hoạch sát hại người Do Thái một cách có hệ thống. Bruno Dey đã tham gia vào việc bỏ đói, từ chối chăm sóc sức khoẻ hay dùng khí ga gây ngạt đối với các tù nhân.

Sau nhiều lần xem xét, các công tố viên Đức cuối cùng cũng đã đề nghị mức án 3 năm tù đối với Bruno Dey vào ngày 6/7 vừa qua. Trước đó, vào tháng 4/2019, một tòa án Đức đã phải hoãn phiên xét xử một cựu bảo vệ khác cũng làm việc tại trại tập trung Stutthof sau khi bị cáo 95 tuổi này phải nhập viện vì các bệnh về tim và thận.

Theo báo điện tử Lenta.ru, Nga, do hầu hết các tên tội phạm thời Thế chiến 2 đã quá già yếu, hay chưa sa lưới nên vụ xét xử Bruno Dey có thể là phiên tòa cuối cùng luận tội chủ nghĩa phát xít Đức mà có sự hiện diện của bị cáo.

Đình Tú