Không được để 'cua cậy càng, cá cậy vây'
“Các đồng chí cần phải lắng nghe hơi thở cuộc sống, không được để “cua cậy càng, cá cậy vây”. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu. Chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại cuộc làm việc với ngành Tài chính ngày 7/7.
Nếu đặt cụm từ “cua cậy càng, cá cậy vây” vào công tác nhân sự và bản thân cán bộ, đảng viên các cấp trong thời gian qua, có nghĩa tình trạng “kéo bè, kết cánh,” “lợi ích nhóm” là có thật, thực tế đã và đang diễn ra.
Việc gần 100 cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý, kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đến nay, trong đó có những người giữ cương vị cao trong hệ thống chính trị và không ít người đã phải ngồi tù, cho thấy Đảng ta quyết tâm rất cao, làm rất quyết liệt, không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng cũng phần nào cho thấy những vấn đề đáng báo động trong công tác cán bộ. Có thể nói, tình trạng ‘cậy càng,’ ‘cậy vây’ là điều rất xót xa cho công tác cán bộ. Nếu tình trạng này tiếp tục tồn tại, phát triển trong một tổ chức chính trị thì nguy cơ phá vỡ đoàn kết, làm mất uy tín, suy giảm lòng tin của nhân dân là khó tránh khỏi.
Vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đề cập đến cụm từ “cua cậy càng, cá cậy vây” tại hội nghị của ngành Tài chính? Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, “cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách. Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.
Như vậy, nhiệm vụ của ngành Tài chính không chỉ là đảm bảo thu chi mà quan trọng phải là nuôi dưỡng nguồn thu, bởi có nuôi dưỡng nguồn thu tốt thì ngân sách mới mạnh. Điều đó có nghĩa, làm cán bộ ngành Tài chính không chỉ nhăm nhăm đi thu thuế, bắt ne bắt nẹt doanh nghiệp, người dân về các khoản thuế họ phải nộp mà phải biết khoan thư sức dân, để họ có điều kiện phát triển lớn mạnh, có doanh thu, lợi nhuận tốt qua đó sẽ làm nhiệm vụ đóng thuế cho ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã gây khó cho doanh nghiệp.
Tại buổi họp mặt các hiệp hội doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 tổ chức tại Cần Thơ vào sáng 7/7, ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm chánh văn phòng Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cho biết, vẫn còn tình trạng cán bộ “hành” doanh nghiệp bằng các cuộc thanh tra, kiểm tra dù nghị quyết của Chính phủ nêu rõ là chúng ta không thanh tra quá một lần.
Thực tế thì ngay tại thủ đô Hà Nội có những doanh nghiệp thương mại một quý phải đón... 18 đoàn thanh tra. Điều đáng nói là thanh kiểm tra tới tận 18 lần nhưng kết quả thanh tra chỉ nêu được doanh nghiệp đó chỉ nhập 4kg hoa quả không xuất xứ nguồn gốc, và họ bị phạt 18 triệu đồng. Với số lần thanh tra nhiều mà kết quả thu được từ các lần thanh tra như vậy có đáng không? Hay câu chuyện có doanh nghiệp xin giấy phép xây dựng mất 3-5 năm vẫn cứ xảy ra, doanh nghiệp bị ngâm hồ sơ 1 năm hay vài năm vẫn không phải là chuyện hiếm.
Minh chứng cụ thể về sự gây khó từ chính quyền đối với doanh nghiệp, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: “Tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại, có hồ hơ đá qua lại đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này”.
Vì sao có những sự chần chừ, đá qua, đá lại hoặc thanh kiểm tra quá nhiều để “hành” doanh nghiệp vẫn cứ tồn tại là bởi sự lạm quyền của cán bộ đó là cái lý tại sao người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc đến chuyện này để các công bộc của dân cần ý thức hơn trách nhiệm của mình, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như thế này càng cần sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, cùng vượt qua gian khó.
Giao nhiệm vụ cho ngành Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành Tài chính phải hợp tác chặt chẽ, một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân. Có như vậy mới hoàn thành không chỉ nhiệm vụ của ngành mà sẽ cùng đất nước vượt qua những khó khăn bằng chính sự nỗ lực vì việc chung của từng con người cụ thể.
PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Làm tốt nhân sự mới chấm dứt được tình trạng mất đoàn kết
Để lựa chọn nhân sự Trung ương khóa XIII, trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ thông qua, biểu quyết về đại thể mà không thảo luận, cân nhắc từng trường hợp vào vị trí nào, vào Trung ương để làm gì, yêu cầu mỗi vị trí ra sao, có phù hợp không thì dễ sót, lọt những người không đủ tiêu chuẩn, năng lực. Vì vậy, tôi cho rằng trách nhiệm trước hết là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII phải lựa chọn, đánh giá, cân nhắc, thảo luận kỹ từng trường hợp. Dù là mấy trăm người cũng phải dành thời gian để đánh giá kỹ về phẩm chất, trí tuệ, tư cách đạo đức và tất cả những thứ liên quan. Và quyết định nhân sự khóa mới sẽ gắn với trách nhiệm của Bộ Chính trị, Trung ương khóa này trước Đảng, cũng là trước nhân dân.
“Làm tốt nhân sự sẽ ngăn chặn lọt vào Đảng những người có tư tưởng bè phái, tư lợi, cục bộ. Cũng chỉ làm tốt nhân sự mới chấm dứt được tình trạng mất đoàn kết, kéo bè kết cánh để giơ vây, giương càng, thách thức pháp luật trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng
Liên quan đến công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu công tác nhân sự Đại hội tới đây phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn cán bộ. Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh. Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ, chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý các cấp các ngành phải đặc biệt tỉnh táo, tinh tường, “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Và tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt”.