'Viên ngọc thô' Cồn Hô

Thành Luân 12/07/2020 09:17

Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng Cồn Hô lại được thiên nhiên ban tặng lợi thế phong phú về hệ sinh thái thực vật (phát triển trồng trọt miệt vườn) và khai thác thủy hải sản nước ngọt, nước lợ,…

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên các cồn cát ven sông, ven biển của vùng duyên hải phía Đông là rất lớn.

Cồn Hô, một cồn cát rộng 25 ha nổi trên sông Cổ Chiên nối đôi bờ “ốc đảo” Bến Tre và tỉnh duyên hải Trà Vinh. Với đặc điểm nằm trên dòng chảy từ sông ra biển, được thiên nhiên ban tặng lợi thế về tài nguyên phù sa, hệ sinh thái, các vườn trái cây bạt ngàn, cùng hệ thực vật phong phú… giúp cho Cồn Hô trở thành “viên ngọc thô” để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá.

Sức sống trên “ốc đảo”

Theo chuyến đò từ bến đò xã Đức Mỹ, đoàn các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - du lịch ra thăm Cồn Hô đúng vào dịp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đang tiến hành khảo sát xây dựng điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cồn Hô.

Đến đây, trải nghiệm cuộc sống với bà con trên Cồn Hô, chúng tôi mới cảm nhận cuộc sống trôi nổi, bấp bênh theo con nước của người dân trên đảo.

Hiện nay cả cồn chỉ có trên chục hộ sinh sống, với gần 20 nhân khẩu, cuộc sống khó khăn nhiều người bỏ cồn vào đất liền kiếm kế mưu sinh. Lúc đoàn ghé thăm, mọi người được nghe tâm sự về câu chuyện buồn của hộ chị Khải và anh Tư Khen: “Gia đình chúng em mấy năm trước ở đầu Cồn Hô, nhưng sạt lở dữ quá, mấy công đất trôi sông hết, vợ chồng, con cái phải dạt vào phía trong cồn dựng nhà lại ở tạm”.

Có hộ dân sống ở đây đã ba đời kể, tình trạng sạt lở ở Cồn Hô chỉ một phần ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng sạt lở ngày càng dữ hơn là do khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên. Sự manh động của các đối tượng khai thác cát ven cồn khiến bà con dù phát hiện thấy cũng không thể cản được.

Có thời điểm, bà con báo tin cho Công an huyện phối hợp cùng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Càng Long vào cuộc truy quét, bắt quả tang tới 6 ghe cát không biển kiểm soát có tải trọng từ 5 tấn đến 10 tấn đang bơm hút cát trái phép vào khai thác.

Một cán bộ địa phương tại xã Đức Mỹ cho chúng tôi biết, các đối tượng “cát tặc” sử dụng nhiều phương tiện hút từ 10-15 m3 cát mỗi đợt đi đêm. Có lúc, hàng chục chiếc thay phiên nhau bơm hút cát vào lúc thủy triều lên (khoảng 3 đến 4 giờ sáng) để tránh sự phát hiện của người dân và chính quyền địa phương…

Bà con trên Cồn Hô giới thiệu các sản phẩm du lịch tự làm, tự chế biến để phát triển du lịch sinh thái ở đây.

Ước mong sinh kế mới

Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng Cồn Hô lại được thiên nhiên ban tặng lợi thế phong phú về hệ sinh thái thực vật (phát triển trồng trọt miệt vườn) và khai thác thủy hải sản nước ngọt, nước lợ,…

Sau khi được tập huấn cách làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp do Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch hỗ trợ, mời chuyên gia hướng dẫn, một nhóm bà con trên Cồn Hô hiện nay đã có thể xây dựng được một số các sản phẩm du lịch đặc trưng của mình.

Hôm đón đoàn đến thăm, bà con trên cồn xúc động kể với chúng tôi về hướng sinh kế mới mà địa phương đang quan tâm, tạo điều kiện để người dân tập làm du lịch. Hình ảnh cả Bí thư và Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức xắn tay áo cùng lực lượng dân quân tự vệ dọn dẹp, phát quang bờ bụi cùng với bà con được mọi người khấp khởi khoe với các thành viên trong đoàn. Nhìn từng ánh mắt, nụ cười, chúng tôi hiểu bà con Cồn Hô đang kỳ vọng rất lớn vào giải pháp sinh kế mới trên cồn cát rộng chỉ trên dưới 25 ha này.

Đãi du khách bằng những sản phẩm tự tay thực hiện, vợ chồng anh chị Ba Thu không giấu được niềm vui. “Bữa nay nhà tui có bưởi da xanh, chả bưởi, mứt bưởi, có rượu ngâm từ quả mướp đắng. Rồi học bà con ở Cồn Chim thì tui với anh Ba Phi cũng tính làm cả chè bưởi nữa. Bữa rày thì chưa kịp làm nhưng mà đợt tới GS Chương hay GS Nga đến thì có rồi đó” - chị Ba Thu vui vẻ giới thiệu.

Cầm những lát chả dẻo thơm mùi hương bưởi quện với gia vị ăn kèm, những thành viên trong đoàn cảm nhận được tình cảm, sự mến khách của những người nông dân nghèo đang ước mong sinh kế mới trên Cồn Hô.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Cao Thị Bích Liên -Bí thư xã Đức Mỹ bày tỏ, bà con Cồn Hô được tập huấn, dạy cách làm nông nghiệp, ai cũng vui cũng mừng, cũng kỳ vọng. Cả chính quyền xã cũng mong cho Cồn Hô sớm trở thành một điểm đến du lịch để đời sống của bà con bớt khó khăn, đỡ thấp thỏm hơn so với trước đây.

Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, câu chuyện người dân làm du lịch ở Cồn Hô là một trong những hướng phát triển của bốn địa phương thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long mấy năm gần đây.

Hành trình phát triển ngành du lịch hướng từ sông ra biển, trên cơ sở khai thác hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa biển,… đã được dẫn chứng hiệu quả từ mô hình làm du lịch ở Cồn Chim (ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành).

Chuyên gia này cho biết, đây là một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn nhờ tận dụng được tài nguyên tại chỗ để phát triển du lịch, lấy quy luật tự nhiên “thuận thiên” làm định hướng. Nhờ đó, cuộc sống của bà con trên Cồn Chim nhiều năm nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Gần đây, Cồn Chim còn được quan tâm khi địa phương phối hợp cùng các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp ra tập huấn cho người dân về nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”.

Nhờ hướng sinh kế hiệu quả, có thời điểm Cồn Chim đã đón hàng chục tour mỗi tháng, với hàng trăm lượt khách từ TP HCM và các tỉnh về tham quan, trải nghiệm.

Mô hình của Cồn Chim đang được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham vấn cho tỉnh Trà Vinh thí điểm mô hình du lịch tự thân, du lịch sinh thái - trải nghiệm cho Cồn Hô.

Thành Luân