Tranh Hải Kiên – Những gam màu tinh tế
Họa sĩ không biết, dù xem tranh của họa sĩ rất nhiều, đến thuộc cả mọi tên và màu sắc của tranh nhưng thực lòng tôi vẫn thích có tranh của Kiên treo trong nhà. Thích lắm. Hết sức tài hoa. Hiếm…
Triển lãm của nhóm Sketch+ có 6 phòng với gần 100 bức tranh của các họa sĩ trẻ, thêm họa sĩ thuộc thế hệ trước - Chu Thảo. Có một số bức chúng tôi đã xem đi xem lại với rất nhiều hào hứng. Nhưng để quyết định có thêm vào bộ sưu tập thì chúng tôi dừng lại lâu hơn ở tranh của Hải Kiên. Anh bày 11 bức tĩnh vật về hoa lá, bình đựng bút, mấy đôi giày, quả bí nếp… chất liệu sơn dầu khổ nhỏ (từ 30x30 cm đến 40x50 cm…) trong khi chúng tôi biết anh có nhiều bức sẽ bày trong tháng Tám tới. Con tôi bảo: “Bé nhưng mà “chất lừ”, mẹ ạ”.
Tôi thích anh vẽ mùa thu với những quả hồng, và bức quả bí nếp và bức hoa giấy. Con tôi thì thích cả hai bức: “Giày tím” và “Giày hồng”. Mấy mẹ con đi một vòng để xem thêm khi quay lại, những bức chúng tôi thích đều đã được gắn nơ đỏ. May quá còn bức “Quả bí nếp”. Tôi tìm nơ để gắn, họa sĩ, người đồng hành, hướng dẫn tôi trong hơn năm qua, biết nhà tôi có treo nhiều tranh, có vẻ ngần ngại, nói chân thành: “Chị cũng vẽ mà…”. Họa sĩ không biết, dù xem tranh của họa sĩ rất nhiều, đến thuộc cả mọi tên và màu sắc của tranh nhưng thực lòng tôi vẫn thích có tranh của Kiên treo trong nhà. Thích lắm. Hết sức tài hoa. Hiếm… Tôi gắn nơ cho bức “Quả bí nếp”, mặc dù ở nhà tôi cũng có nhiều bức quả bí rồi.
Trước khi có bức “Quả bí nếp” tôi đã có bức “Hoa hồng” của Hải Kiên. Với tôi, Hải Kiên vẽ hoa gì cũng đẹp, từ “Lan tiên”, “Sen”, “Salem”, “Hoa giấy” đến “Đại tướng quân”, “Loa kèn” nhưng đặc biệt là hoa hồng. Ai đã từng vẽ đều biết hoa hồng rất khó vẽ được đẹp, cái độ mong manh của cánh hoa từng khiến nhiều họa sĩ phải cay đắng bỏ cuộc vì không tả nổi. Có lần tôi đưa lên trang cá nhân của tôi bức “Hoa hồng” của Hải Kiên, một nhà phê bình hội họa Việt Nam sống ở Pháp đã gọi về hỏi: “Tranh của ai đấy? Thú vị lắm, nó thanh nhã, dịu dàng, thực đấy mà mơ đấy, tươi tắn và khiến mình ấn tượng quá…”. Tôi kể cho ông về Hải Kiên. Ông chúc mừng tôi đã may mắn tìm được một người có tài để học.
Gian nan thi cử
Hải Kiên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Anh trai và em gái mỗi người mỗi nghề, cha mẹ cũng không làm nghệ thuật nhưng từ lúc 3 tuổi Kiên đã thích vẽ, cậu thường dùng gạch để vẽ lên tường, lên nền nhà. Mê vẽ, vớ được bút chì, bút bi hay viên phấn, viên gạch vào bất cứ lúc nào có thể vẽ là vẽ, mọi người xem, khen càng phấn khởi vẽ, không biết chán. Lớn lên, Kiên xin thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (trường Yết Kiêu) ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ mê hội họa.
Thi cử trường Mỹ thuật có rất nhiều câu chuyện tưởng như đùa. Vẽ hay vẽ giỏi chưa là gì cả, với những người như Hải Kiên còn có câu “càng giỏi càng trượt”. Dù dặn lòng không nản, dù đã nghĩ lần này nếu không đỗ vẫn không bỏ cuộc cũng không tránh khỏi những giây phút suy sụp trong vài kỳ trường Mỹ thuật báo điểm thi tuyển sinh. Ước mơ trở thành họa sĩ, được vẽ và vẽ suốt đời cứ dần khó thành hiện thực. Phải đến lần thứ 5, kể từ kỳ thi đầu tiên sau 4 năm liền miệt mài vẽ trong các lớp luyện thì Kiên mới đỗ.
Vào cái tối khi thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển, đạp vội chiếc xe mi-pha cũ từ trường về nhà, anh chợt nghĩ mình đạp nhanh thế này nhỡ đứt mất xích thì sao? Rồi tự trả lời rằng trong giờ khắc này, mọi việc xảy ra đều có thể trở hành một chi tiết đáng nhớ đầu đời của một họa sĩ tên Hải Kiên. Ý nghĩ chưa dứt, thì xích đứt xe đứt luôn. Điều này, cũng như một số điều khác gặp sau này khiến Kiên nghĩ rằng, mọi sự trên đời dường như có sự sắp đặt bởi một bàn tay vô hình nào đó. Ngay cả việc phải thi đến lần thứ 5 mới đỗ, thì cũng bới tại cái tên của anh, cái tên bao hàm ý nghĩa kiên trì. (Kiên). Trước khi đỗ Kiên đã vẽ rất nhiều, có những bài hình họa đã như một tác phẩm hoàn chỉnh, đầy giá trị nghệ thuật…
Mặc dù không được sinh ra trong gia đình có điều kiện, gia đình Kiên là công chức, nhưng bố mẹ cũng ủng hộ sự kiên trì theo đuổi mơ ước của con. Còn Kiên, mỗi lần trượt cũng buồn song, ngoài giờ đi làm để đỡ đần thêm bố mẹ có tiền cho ăn học thì coi thời gian nào cũng là thời gian của nghệ thuật, cho nghệ thuật. Trong thời gian học, cũng như sau này ra trường Kiên lúc nào cũng say mê vẽ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Hải Kiên từng là họa sĩ vẽ mẫu tiền, Ngân hàng Nhà nước. Mong muốn có nhiều thời gian cho sáng tác hội họa hơn, anh thi tuyển về làm giảng viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Làm giảng viên, trong giờ lên lớp hướng dẫn sinh viên cũng là vẽ, ngoài giờ lên lớp hầu thư mọi thời gian Kiên đều dành cho vẽ: vẽ cảnh chờ con ở cổng trường, vẽ con mèo, con chó, một chiếc xe máy hay một ngôi nhà trước mặt lúc ngồi ở hàng nước. Vào những dịp đi dạy ở tỉnh xa, có đông sinh viên đến làm mẫu thì vẽ sinh viên, lúc không có mẫu thì tự họa. Cái bàn, cái ghế, đôi dép, cái quạt trần, ấm nước đều trở thành mẫu. Dùng smartphone thuần thục, nắm bắt mảng, hình nhanh, màu thì như giời đã cho sẵn nên anh đã có hàng ngàn bức ký họa rất đẹp bằng đủ các phương tiện (chì, phấn, smartphone (Digital art)…). Với anh vẽ mang lại cảm xúc đẹp, tích cực và ngược lại, những gì mang lại cảm xúc cho anh, anh đều muốn đặt nó lên toan và… thành tranh.
Trường phái, đề tài
Hội họa có nhiều trường phái, dường như không ít họa sĩ đã rời bỏ lối vẽ hiện thực, còn Hải Kiên lại trung thành với quan niệm nghệ thuật của mình. Nhìn tranh anh, người xem thấy một ánh mắt chăm chú quan sát cuộc sống, và những điều tưởng như đơn giản cũng có thể đem lại niềm vui. Mọi đồ vật xung quanh đều hấp dẫn cây cọ của người họa sĩ này: từ cái bình cổ, con ngựa gốm, mớ rau củ làm nguyên liệu cho một bữa ăn đến một tờ giấy bỏ rơi trên nền nhà. Người họa sĩ đọc thấy sự sống của nó và đưa nó vào bề mặt tranh trong một không gian ba chiều. Tác phẩm trở nên sinh động bởi tương quan đậm nhạt/ sắc độ và nhịp điệu của hình, màu, bố cục.
Vốn là người quan tâm tới âm nhạc, lại hát khá hay nên anh chia sẻ rằng: “Khi tôi vẽ, sắc độ trong tự nhiên được hiểu như một giai điệu với các nốt nhạc cao, thấp, dài ngắn, những nhịp lượn, dấu lặng, khoảng nghỉ… tôi chỉ biểu cảm đúng những nốt nhạc đó bằng bảng màu của mình. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật cộng với mỹ cảm sáng tạo riêng của mình để đặt tương quan màu đã rất đẹp của tự nhiên lên mặt toan, và từ đó sẽ có một tác phẩm...”. Hải Kiên luôn để ý tới đậm nhạt, sắc độ của hình, mảng để tạo khối khiến các vật thể tách biệt với nhau và với không gian chứa chúng. Trong tranh anh, nét chỉ là một mảng thu hẹp và được kéo dài. Các mảng hình khẽ chênh nhau về sắc hay độ dày mỏng, tạo cho người thưởng ngoạn một cảm xúc về không gian, và nhờ đó mọi thế giới đồ vật trong tranh anh như khe khẽ cùng cất tiếng.
Người kiệm lời?
Hải Kiên ít nói, nhưng lại dễ gần. Mười lăm năm làm giảng viên Đại học, và những kỳ dạy học hè ở nhiều vùng miền, anh có thể đã có tới cả ngàn học viên, sinh viên. Bất cứ ai đã từng theo học thày Kiên đều có nhận xét thày Kiên là người rất hiền, nhiệt tình và dạy có phương pháp. Nhưng nếu để ý kỹ hơn, đọc những gì anh viết (trên Yahoo hỏi đáp, hay thi thoảng những comment Facebook, một vài câu thơ ngẫu hứng…) hay những lần hát chỗ đông người, những cuộc trò chuyện nho nhỏ giữa những người bạn thân tình thì thấy rằng anh là người tinh tế và hóm hỉnh. Không mấy khi thấy Hải Kiên cao giọng, tránh mọi phán xét về người khác về đồng nghiệp nhưng lại thẳng thắn trao đổi về chuyên môn không né tránh nếu được hỏi trực diện. Tính cách của Hải Kiên có vẻ như chỉ bộc lộ cảm xúc của mình bằng tranh, không thích tuyên ngôn, không hợp và không thích nói chuyện lớn, chỉ thích nói chuyện nhỏ/ chuyện thông thường mang tính nhân văn của đời sống con người, thông điệp luôn kín đáo và pha một chút hóm hỉnh.
Tranh của Hải Kiên quyến rũ người yêu hội họa dù là anh sử dụng chất liệu sơn dầu, phấn màu (pastel), hay bột màu (gouache), hay digital art…
Hải Kiên có đời sống tinh thần phong phú, anh không chỉ sáng tác (tác phẩm), dạy học trên giảng đường, Hải Kiên còn minh họa cho các báo, tạp chí và tham gia soạn sách giáo khoa, có một sổ tay thơ nhưng chưa công bố…
Hải Kiên làm rể họa sĩ Trần Đốc, giảng viên thế hệ trước của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Anh quen con gái thày Trần Đốc hồi học luyện thi. Anh cũng cho rằng đó là cái duyên giời định, một may mắn cho cả anh và vợ, bởi hai người đều cùng nhìn về một hướng như người ta nói. Cùng nhìn về một hướng đó là hội họa và vẻ dẹp của nó mang lại cho đời sống nên mọi điều khác trở nên giản dị trong cuộc sống của họ. Cùng học một trường, rồi sau này cùng dạy một nơi, Nguyễn Thị Huyền, vợ Hải Kiên cũng là một họa sĩ theo đuổi dòng hiện thực.