Lựa chọn cán bộ xứng tầm
Theo ông Nguyễn Viết Chức, nhân sự lãnh đạo cán bộ huyện, tỉnh ở tầm 35-40-45 tuổi là tốt. "Có như vậy mới đào tạo để sau này trưởng thành lên cấp Trung ương".
Hiện Đại bộ Đảng bộ cấp cơ sở đã xong, các địa phương đang bắt đầu tổ chức đại hội Đảng bộ cấp huyện và tương đương. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cơ sở đảng phải biết tìm ra người xứng đáng để bầu Bí thư, cấp ủy gắn với mở rộng dân chủ trong Đảng.
PV: Thưa ông, trong vấn đề lựa chọn nhân sự, đối với cấp huyện và tương đương trở lên thì phải là cán bộ có “tài”, “tầm” để có những kiến nghị giúp hoạch định chính sách. Vậy cá nhân ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Viết Chức: Tôi đồng tình với quan điểm như vậy. Vì cán bộ ở cấp cơ sở dứt khoát phải gần dân, hàng ngày tiếp xúc với dân. Cho nên ở cấp này cán bộ phải là người trong sáng, có khả năng tiếp xúc với dân. Đây cũng là năng khiếu, tài năng chứ không phải ai cũng tiếp xúc được với dân.
Có người bản chất rất tốt, nhưng khi tiếp xúc với dân thấy họ nói hơi ngang một tý, bực mình là không chịu được. Thế nhưng gần dân không có nghĩa suốt ngày chạy xuống xã, chạy xuống với người dân mới được coi là gần dân.
Thực tế ở cấp nào cũng phải gần dân, nhưng hình thức có khác nhau. Thấu hiểu được ý chí và nguyện vọng của người dân để thể hiện qua khả năng quản lý, lãnh đạo của mình nhằm hướng tới dân. Ở tầm cấp huyện, cán bộ phải có tầm nhìn để cho huyện và tỉnh phát triển. Kinh tế- xã hội của huyện, của tỉnh phát triển thì anh mới là người gần dân, lo cho dân.
Phải có tầm nhìn để có văn hóa, không tham ô, tham nhũng, “ăn vặt”. Nếu tham nhũng, “ăn của dân” thì sao gần dân được.
Cán bộ cấp nào cũng phải gần dân nhưng cần hiểu sâu sắc gần dân của cấp cơ sở là tiếp xúc trực tiếp, nhưng cấp huyện, cấp tỉnh, và Trung ương gần dân là gần về lợi ích của dân, đem lại lợi ích cho dân. Muốn vậy, đòi hỏi anh phải có trình độ, năng lực, chứ không phải suốt ngày ngồi nói chuyện với dân mới là gần dân. Vì thế mỗi cấp trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo có sự khác nhau là vì vậy.
Vậy làm sao để lựa chọn được cán bộ xứng tầm, có tài ở cấp huyện hoặc tương đương trở lên, thưa ông?
- Muốn lựa chọn được cán bộ có “tầm”, bản thân cán bộ đó phải kinh qua cơ sở. Bí thư phải kinh qua các chức vụ như: Trưởng phòng, phó chủ tịch hay chủ tịch. Qua đó thể hiện tầm suy nghĩ, tư duy của mình, trong đầu phải có chiến lược. Không nên “bỗng dưng mà lên” mà phải có chương trình, kế hoạch.
Bầu huyện ủy, tỉnh ủy xong, khi bầu bí thư thì dứt khoát người đó phải trình bày phương án nếu làm bí thư tôi sẽ làm gì để mọi người đánh giá tầm suy nghĩ của anh. Tầm suy nghĩ phù hợp sẽ làm cho huyện phát triển, tỉnh phát triển.
Tôi xin nhắc lại rằng, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đoàn kết toàn dân thì sức mạnh lớn như nước. Những việc có hại cho dân dù một tý cũng dứt khoát phải tránh. Như thế phải có tầm nhìn và nhân cách. Đã làm đến chức đó mà cái gì cũng vơ vét, tí ti cũng vét, cái gì cũng “ăn” là không còn nhân cách. Không còn nhân cách gần dân làm sao được.
Một vấn đề nhân sự cần được đặt ra tại cấp huyện và tương đương trở lên là cán bộ trẻ. Vậy những cán bộ đã hết tuổi tái cử theo ông có nên nhường “ghế” cho cán bộ trẻ?
- Cán bộ nhân sự cấp huyện đã 40 tuổi còn trẻ gì nữa. Thực ra cán bộ phải tự đào tạo, tự tu dưỡng, rèn luyện. Dần dần trong công tác cán bộ chúng ta cần “quên” chuyện tuổi tác đi. 35- 40 tuổi không phải là trẻ nữa.
Tôi ví dụ thế này, có người 80 tuổi chưa chắc đã già. Có người 80 tuổi tư duy còn hơn người 50 tuổi nhưng lạc hậu. Hoặc có người 70 tuổi sức khỏe còn yếu hơn người 80 tuổi. Ví dụ như thế để nói lên lựa chọn cán bộ phải căn cứ vào sức khỏe và trình độ năng lực của cán bộ.
Tất nhiên già hơn sẽ kinh nghiệm hơn, va chạm sẽ khôn hơn. Nhưng khôn cái “lặt vặt” còn trình độ chắc gì đã hơn người trẻ.
Cho nên theo tôi, nhân sự lãnh đạo cán bộ huyện, tỉnh ở tầm 35-40-45 tuổi là tốt. Có như vậy mới đào tạo để sau này trưởng thành lên cấp Trung ương. Nếu 50 tuổi mới vào tỉnh thì lên cấp Trung ương thế nào được?
Tuổi trẻ bây giờ từ 35-40 tuổi trở lên là làm được hết, quan trọng là đào tạo họ, chứ ai sinh ra để làm cán bộ đâu? 10 phần làm được 6 phần là tốt, là quý rồi. Cái quan trọng là đừng tham ô, tham nhũng, biến chất thoái hóa. Đó mới là cái đáng lo ngại.
Trong vấn đề nhân sự có một yếu tố rất quan trọng là sự giám sát của cấp ủy cấp trên. Vậy cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trong lựa chọn cán bộ cấp huyện và tỉnh, thưa ông?
- Theo tôi quan trọng nhất là Đảng bộ, cơ sở đảng phải biết tìm ra người đứng đầu, bí thư, cấp ủy cho xứng đáng. Cấp trên đưa ra quy chế, quy định chứ làm sao sát bằng chi bộ, Đảng bộ ấy được, kể cả giám sát của Mặt trận cũng vậy. Đúng là giám sát cần kịp thời để có ý kiến, nhưng khó có thể sát bằng đảng viên ở đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình.
Trung thực, thẳng thắn sẽ chọn được người tốt, cán bộ lãnh đạo tốt. Cái quan trọng nhất là sinh hoạt trong Đảng thực sự mở rộng dân chủ như Bác Hồ đã căn dặn. Bây giờ phiếu là phiếu kín, nên cứ chọn người cho tốt, đúng nguyên tắc mà chọn.
Tôi tin rằng lần này với sự quán triệt rất sâu sắc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Trung ương kỹ lưỡng như vậy, chắc chắn vấn đề nhân sự các cấp sẽ có kết quả tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!