Cuộc chiến không nghỉ giải lao
Cuộc chiến đấu chống tham nhũng, chống sự hư hỏng là cuộc chiến liên tục, bền bỉ, quyết liệt không tự cho phép nghỉ giải lao.
Trong 2 ngày 10 và 11/7, liên tiếp những vụ việc xử lý cán bộ sai phạm đã làm nóng dư luận. Có việc “mới tinh” như khi xử lý nhóm cán bộ tại TP Hồ Chí Minh; cũng có vụ người ta tưởng rằng đã “khép lại” với hai cựu lãnh đạo Bộ Công thương thì cũng đã “tái khởi động” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sai phạm, tha hóa, làm bậy của một số cán bộ khi họ tự đánh mất mình, không còn và không bao giờ là công bộc của dân. Nói cách khác, ở vị trí công tác quan trọng của mình họ đã lợi dụng nhân dân để mưu cầu lợi riêng, không chỉ cho bản thân mà còn cho phe nhóm, cho gia đình, con cái, người thân.
Trong hôm 11/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1000/QĐ-TTg về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Đây là vị “quan” đương chức cấp tỉnh “sập hầm”, cùng với 4 cán bộ cấp sở, phòng; chung một vụ sai phạm.
Ông Tuyến cùng 4 “nhân vật” liên quan cùng bị khởi tố để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Tuyến đã bị đình chỉ công tác 90 ngày để phục vụ công tác điều tra. Được biết, ngay trước khi bị khởi tố, ông Tuyến vẫn còn tham dự cuộc họp của Hội đồng nhân dân thành phố này.
Còn với trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Công thương (ông Vũ Huy Hoàng) và cựu Thứ trưởng Bộ Công thương (bà Hồ Thị Kim Thoa), được xem là “lật lại vụ án” khi mà cả hai đều đã “hạ cánh” khá lâu cùng với án kỷ luật trước đó. Những tưởng “hạ cánh” là xong, nhưng rồi rốt cục không phải thế. Những gì đã gây ra trong quá khứ thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm, vẫn sẽ phải phơi ra trước công lý khi mà cuộc chiến chống tham nhũng, chống thoái hóa biến chất, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ đã và đang tiếp tục được đẩy lên mức độ cao.
Dư luận từng cho rằng, gần tới Đại hội Đảng thì sẽ nảy sinh thái độ “nhìn trước ngó sau”, theo kiểu để cho yên. Với cách nghĩ đó cũng có nghĩa là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy sẽ “tạm nghỉ”. Nhưng, thực tế cho thấy, đó là cách nghĩ thiếu tích cực, thiếu niềm tin và cuộc chiến đấu chống lại những điều xấu xa, những kẻ sâu dân mọt nước. Cuộc chiến này không có chuyện “nghỉ giải lao”.
Nhìn vào chuyện khởi tố lần này với Phó Chủ tịch đương nhiệm TP HCM Trần Vĩnh Tuyến (cùng nhóm đối tượng liên quan) và cựu Bộ trưởng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương (ông Vũ Huy Hoàng cùng bà Hồ Thị Kim Thoa) có thể thấy lý do nổi bật nhất là liên quan đến nhà đất. Điều này một lần nữa cho thấy, lĩnh vực này rất béo bở khi có nhiều đối tượng tìm mọi cách kiếm chác.
Nhiều năm qua, trong số các vụ khiếu kiện thì đất đai luôn đứng đầu bảng; cho thấy ở đây có kẽ hở lớn đồng thời cũng là lợi nhuận lớn khiến không ít kẻ nhắm mắt lao vào, bất chấp kỷ cương phép nước. Những phi vụ mua bán, đổi chác, đánh tráo đất đai không chỉ ở những thành phố lớn, với những khu đất “vàng” mà còn diễn ra cả ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Với những khu đất “vàng” chỉ một vụ trót lọt là ấm cả đời. Còn với những nơi “giá bèo” thì cũng đủ để rủng rỉnh lên mặt với đời cùng mớ tiền bẩn trong túi.
Đúng là “cạp đất mà ăn”. Lâu nay, dư luận vẫn nóng về chuyện các “quan ăn đất”, nhiều vụ đã bị phơi bày nhưng cũng nhiều vụ chưa bị phát giác. Chính vì thế việc kiện tụng vẫn kéo dài, gay gắt.
Nhưng, thực tế quyết liệt của cuộc chiến đấu không nghỉ giải lao đối với nạn tham nhũng, chiến đấu chống lại sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ đã thêm một lần nữa củng cố niềm tin vào lẽ phải, vào công lý. Kỉ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất nghiêm minh. Người dân rất nhạy bén, rất công bằng, không vu vạ cho ai nhưng ghét lũ tham quan như ghét giặc. Cuộc chiến làm trong sạch bộ máy được nhân dân ủng hộ hết mình.
Trở lại với động thái mới nhất trừng phạt những đối tượng sai phạm tại TP HCM và Bộ Công thương, mới thấy di hại của sai phạm là rất lớn. Nó không đơn thuần chỉ là một vụ việc mà kéo theo biết bao điều tệ hại khác. Một số kẻ bị vạch mặt, đối diện với vòng lao lý đã đành nhưng hậu quả để lại không thể giải quyết xong trong một sớm một chiều.
Điều đó cho thấy càng cần đẩy mạnh hơn nữa, sâu rộng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; công tác chọn lựa cán bộ. Chỉ lơ là một chút thôi, xuê xoa một chút thôi, sai lầm một chút thôi thì cũng đủ để không ít kẻ xấu leo cao luồn sâu vào bộ máy. Để rồi từ đó chúng gây bè kết nhóm phá từ trong phá ra, không dễ gì xử lý.
Vì thế mới nói, cuộc chiến đấu chống tham nhũng, chống sự hư hỏng là cuộc chiến liên tục, bền bỉ, quyết liệt không tự cho phép nghỉ giải lao.