Mang nghệ thuật hàn lâm đến gần với công chúng
Sự thành công của nghệ thuật hàn lâm trong thời gian qua có được chính là nhờ cách chuyển mình theo xu thế của các đơn vị nghệ thuật từ công lập đến tư nhân.
Những năm qua nghệ thuật hàn lâm đã có nhiều thay đổi để tiếp cận được các đối tượng khán giả. Mới đây, những người làm nghệ thuật không khỏi bất ngờ khi vở ballet “Kiều” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM chỉ sau vài ngày phát hành đã “cháy vé”. Thậm chí, theo nhà tổ chức chương trình thì suất diễn vào ngày 14/8 tới đây tại Hà Nội đến thời điểm này cũng chỉ còn ít vé.
Cách tiếp cận gần gũi
Theo biên đạo múa của vở diễn Tuyết Minh, cách tiếp cận của Kiều với khán giả chính là thể hiện được những thứ phức tạp, quy chuẩn nhất bằng cách diễn đạt giản dị, mộc mạc. Đây là vở ballet có sự hòa hợp giữa nghệ thuật ballet cổ điển chuẩn mực của phương Tây với nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam, giữa âm nhạc bán cổ điển và âm nhạc dân gian Việt Nam.
Đặc biệt, dự án “Kiều” đã ấp ủ thực hiện trong nhiều năm qua, trong đó trọng tâm là đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.
Thực tế, thời gian qua nghệ thuật hàn lâm như giao hưởng, thính phòng, ballet, opera... đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng công chúng. Rất nhiều đêm diễn lấy được cảm xúc từ khán giả với những cơn “sốt vé”.
Việc thưởng thức nghệ thuật hàn lâm giờ đây không chỉ còn là bộ phận khán giả mà đã lan tỏa với sự đón nhận của tầng lớp người dân trong xã hội, đặc biệt là khán giả trẻ. Đơn cử như hai đêm “Rock Symphony” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi đã tạo ra một hình ảnh mới cho nghệ thuật hàn lâm.
Khán giả đến với đêm nhạc không chỉ để thưởng thức mà hòa nhịp bằng những tiếng vỗ tay, tiếng hát theo các ca khúc như “We are the world”, “We will rock you”…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ khác được biểu diễn trong chương trình, như “Bohemian Rhapsody”, “Barcelona”, “Still loving you” đã được hòa quyện cùng những tuyệt phẩm của Mozart, Beethoven đã minh chứng cho thấy các nhà soạn nhạc cổ điển cũng có thể chia sẻ sân khấu với nhạc pop, rock.
Hay tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Rock Symphony-We are the champions” diễn ra trong những ngày đầu năm 2020 của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã được nhiều nhà chuyên môn và khán giả đánh giá cao.
Trước đó, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với vở ballet “Hồ thiên nga” đã tạo nên “cơn địa chấn” trong đời sống nghệ thuật, với 7 đêm diễn “cháy vé”.
Thậm chí gần đây, các tác phẩm quy tụ nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm hàng đầu nước ta không chỉ diễn ở các thành phố lớn, mà đến nhiều địa phương khác, như các vở nhạc kịch “Cô Sao”, “Lá đỏ” đã phục vụ nhân dân các tỉnh như Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị...
Đặt khán giả lên hàng đầu
Có thể nói, sự thành công của nghệ thuật hàn lâm trong thời gian qua có được chính là nhờ cách chuyển mình theo xu thế của các đơn vị nghệ thuật từ công lập đến tư nhân. Ở đó, thay vì những cách tiếp cận “nặng nề”, xưa cũ các vở diễn đang hướng tới việc khán giả cần gì, muốn gì, xu hướng nghệ thuật ra sao?
Theo biên đạo múa Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam: Trong tất cả các quốc gia phát triển đều có sự nổi bật về các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm. Nghệ thuật này có lịch sử phát triển cách đây hàng trăm năm. Đến nay, nó không chỉ là nghệ thuật đỉnh cao mà còn được đánh giá như khoa học. Trong hệ thống biểu diễn, hệ thống đào tạo của các quốc gia lớn trên thế giới, nghệ thuật hàn lâm đều rất được chú trọng.
Có lẽ tính đến thời điểm này, chưa có bộ môn nghệ thuật nào đòi hỏi quy trình đào tạo khắt khe như nghệ thuật hàn lâm. Đối với các nước phương Tây nói riêng và các nước phát triển nói chung, nghệ thuật hàn lâm mang tính bắt buộc trong hệ thống đào tạo trường học. Sự khác nhau chỉ là thời gian dành cho học tập nhiều hay ít mà thôi.
Cũng theo biên đạo múa Trần Ly Ly, tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, nghệ thuật hàn lâm có đối tượng khán giả của mình. Do điều kiện kinh tế, xã hội thời đó còn nhiều khó khăn, thách thức, nên sân khấu là hình thức nghệ thuật duy nhất con người có thể tiếp cận và thưởng thức.
Còn ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Con người có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Nhiều người đổ lỗi cho điều đó. Nhưng điều đó không khiến người ta quay lưng với nghệ thuật hàn lâm.
Một trong những nguyên nhân khiến khán giả dần dần rời xa môn nghệ thuật này là bởi vì con người mất dần thói quen lựa chọn loại hình để thưởng thức. Người ta ngại đến những nơi như nhà hát để mà xem ballet chứ không phải là có nhiều thứ để lựa chọn.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói rằng: Trong âm nhạc, trong điệu múa hay một bản concerto phải luôn có tinh thần văn hóa, tinh thần nhân ái, tính dân tộc. Chúng tôi kỳ vọng sau này Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, bởi chúng ta vô cùng nhiều những câu chuyện của đất nước, của lịch sử, câu chuyện của các cuộc kháng chiến và cả câu chuyện của những mối tình dân gian và hiện đại.
Ngày nay, các bạn trẻ có trình độ cao, giao tiếp thông tin rất nhiều, Nhà nước cần tin tưởng, giao nhiệm vụ đặt hàng các tác giả trẻ để họ có cơ hội, vinh dự được cống hiến; ngược lại tác giả trẻ cần liên kết thành những ê kíp với nhau để sáng tạo. Chắc chắn chúng ta sẽ có tác phẩm tốt và chất lượng, có lý do để hòa nhập với quốc tế.
Được biết, với Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng công tác đào tạo tài năng đỉnh cao nhạc hàn lâm.
Trong thời gian từ năm 2017 đến 2021, học sinh, sinh viên thuộc đề án này ngoài việc học trong nước, hằng năm, sẽ cử trung bình 5 tài năng ở mỗi lĩnh vực đi thực tập ngắn hạn (không quá 6 tháng) ở nước ngoài.
Đặc biệt từ năm 2021 trở đi phấn đấu hằng năm chọn 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc cử đi đào tạo cao cấp ở trong nước và nước ngoài…
Với những thay đổi về cách làm bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm chất lượng được giới thiệu với công chúng.