Thiếu chế tài xử lý xe ‘hết đát’
Cục CSGT chỉ có “khai sinh”, chẳng bao giờ “khai tử” xe ô tô cả.
Bộ GTVT vừa yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn đăng kiểm trên toàn quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực trạng xe “hết đát” thu hồi không được, xử lý không xong do thiếu chế tài đang diễn ra tại hầu hết các địa phương.
Ai chịu tự giác hủy xe?
Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, tổng số xe hết niên hạn sử dụng đến nay là gần 220.000 chiếc, trong đó có hơn 16.600 chiếc bắt đầu hết niên hạn từ tháng 1/2020.
Theo quy định, xe hết niên hạn phải nộp lại giấy tờ đăng ký, biển số xe cho cơ quan quản lý đăng ký và dừng hoạt động. Nếu tiếp tục tham gia giao thông khi đã hết niên hạn sử dụng, chủ xe sẽ bị xử phạt tiền, tịch thu xe.
Nhưng thực tế hiện nay, việc các chủ phương tiện tự giác đến làm thủ tục nộp lại giấy tờ, biển số và cam kết hủy bỏ xe hầu như rất ít.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cho biết, cơ quan này đã nghiêm túc thực hiện việc thống kê, cập nhật danh sách xe hết niên hạn và gửi cho các cơ quan liên quan của Bộ Công an và các địa phương để kiểm soát, thu hồi giấy tờ, biển số xe theo quy định.
Các xe hết niên hạn được cơ quan đăng kiểm kiểm soát thông qua việc “khóa đăng kiểm” trên hệ thống quản lý kiểm định, gắn tem đăng kiểm có dấu vạch đỏ trong kỳ kiểm định cuối cùng để lực lượng chức năng dễ phát hiện, xử lý.
Như vậy, Cục Đăng kiểm cũng chỉ dừng ở việc công bố danh sách những xe hết niên hạn sử dụng, không được tham gia giao thông, còn xe đó đi về đâu thì cơ quan đăng kiểm cũng không biết. Hiện, hành lang pháp lý cũng chưa hề có hướng dẫn, chế tài xử lý xe hết đát theo hướng thu hồi hay tiêu hủy, vì phương tiện thuộc sở hữu của người dân (theo quy định của Bộ luật Dân sự), nên tiêu hủy hay bán sắt vụn là quyền của người dân.
Từ phía địa phương, đơn cử như tỉnh Nghệ An, theo thống kê của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Nghệ An, tính từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 phương tiện đã hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định, chủ yếu là xe tải, ô tô khách... Trong đó, số xe thu hồi chỉ chiếm 1-2%, bởi việc chủ phương tiện đến làm thủ tục nộp giấy đăng ký, đăng kiểm còn hạn chế.
Ông Nguyễn Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An nêu thực tế, khi xe hết niên hạn, số phương tiện này lại được tuồn về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ tại các công trường xây dựng, chuyên chở nông sản...
Vì giá thành rẻ, nên số lượng lớn xe hết niên hạn vẫn lén lút hoạt động là điều khó tránh khỏi, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng.
Mối nguy của xe “hết đát”
Tại Hà Nội, năm 2020, có thêm hơn 1.600 xe ô tô hết hạn sử dụng. Song, cũng giống như tình trạng ở Nghệ An, xe hết niên hạn chủ yếu hoạt động tại một số xã, huyện ngoại thành, dùng để đưa đón học sinh, chở vật liệu, nông sản... trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, ít khi ra quốc lộ, tỉnh lộ nên rất khó phát hiện, xử lý.
Đáng chú ý, trong 2 năm 2018, 2019, toàn TP Hà Nội có gần 2.100 ô tô hết niên hạn sử dụng. Cơ quan chức năng đã gửi giấy mời yêu cầu chủ phương tiện nộp lại đăng ký và biển số, nhưng chỉ có 9 trường hợp phản hồi và cơ quan chức năng chỉ thu hồi được 3 trường hợp.
Xe “hết đát” chính là mối nguy tiềm ẩn gây tai nạn giao thông (TNGT). Gần đây nhất, tháng 12/2019, chiếc xe 15 chỗ BKS 29K-1636 (hết hạn sử dụng từ năm 2017) chở 8 người của Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật VN khi đang lưu thông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị mất lái, tự đâm vào taluy dương làm 3 người trên xe tử nạn.
Đáng tiếc, mỗi khi có TNGT nghiêm trọng xảy ra thì mối nguy của loại phương tiện này mới được “mổ xẻ”, cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ở một số địa phương, xe hết niên hạn sử dụng vẫn nghênh ngang lưu thông trên đường là do việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ.
Cục Đăng kiểm cứ thông báo danh sách xe “hết đát” là coi như xong việc, chứ không có quyền hạn và trách nhiệm gì để thu đăng ký xe, cũng như dừng xe kiểm tra. Trong khi đó, Cục CSGT chỉ có “khai sinh”, chẳng bao giờ “khai tử” xe ô tô cả.
“Tóm lại là sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý với nhau là rất yếu...”- ông Thanh khẳng định.
Do đó, có một thực tế là xe “hết đát” đang trong tình trạng thu hồi không được, quản lý không xong. Dù có hàng loạt quy định về xe hết niên hạn sử dụng đã được ban hành, nhưng quy định lại không đi kèm chế tài.
Cụ thể, Nghị định 95/2009 của Chính phủ chỉ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện. Thông tư 15/2014 của Bộ Công an cũng chỉ quy định thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe hết niên hạn sử dụng... Song, nếu chủ phương tiện không thực hiện các nghĩa vụ trên, thì chưa có quy định nào xử lý, chế tài.
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn để tham gia giao thông, song chưa có điều khoản xử lý bắt buộc với xe “hết đát” là buộc phải thu hồi hay tiêu hủy. Còn Nghị định 46 của Chính phủ chỉ quy định tịch thu nếu bắt tận tay chủ phương tiện cố tình lưu hành xe hết niên hạn sử dụng. Đây chính là khoảng trống pháp lý khiến số lượng lớn xe hết đát vẫn ngang nhiên tham gia giao thông.
Rõ ràng, để xe hết đát lưu hành dễ dàng là trách nhiệm không nhỏ từ phía nhà quản lý. Nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông do loại xe này gây ra, cần có biện pháp mạnh để thu hồi loại xe này. Bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, phối hợp trong xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ phương tiện tự nguyện giao nộp biển số, giấy đăng ký và tiêu hủy xe “hết đát”. Có vậy việc xử lý xe hết niên hạn sử dụng mới mang lại hiệu quả.