Thực chất vẫn là tín dụng đen
Dù mang danh nghĩa là cho vay ngang hàng (P2P), nhưng thực chất là tín đụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng.
Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. P2P hiện đang được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm.
Thách thức đối với cơ quan quản lý
Hiện, NHNN đã chủ trì đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty tại TP HCM và Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty cho vay ngang hàng, để cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất cao đối với các khoản vay.
Đáng chú ý, tuy mới được triển khai từ năm 2016 trở lại đây, nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và tổng phí dịch vụ thu được.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động P2P đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.
Do vậy, NHNN dự kiến đưa lĩnh vực P2P vào đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech (công nghệ tài chính) trong lĩnh vực ngân hàng (cơ chế Regulatory Sandbox – khung điều chỉnh thử nghiệm).
Người dân phải cẩn thận
Hiện nay hoạt động cho vay ngang hàng mọc lên khá nhiều, trắng đen,thật giả lẫn lộn. Ở Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng mới xuất hiện và có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng có một số công ty biến tướng, lừa đảo, trà trộn với tín dụng đen, đa cấp tài chính, cho vay tiền mà không gắn với việc thế chấp tài sản, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng với diễn biến rất phức tạp.
Các công ty này thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng nhằm tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của lực lương công an. Tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nợ xấu từ người đi vay, không có cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư.
Đấy là chưa kể hàng loạt các rủi ro khác như thông tin của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật. Hệ thống lưu trữ thông tin của công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi các hackers, dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch trên các nền tảng P2P Lending được dùng để trốn thuế, rửa tiền, đánh bạc qua mạng, tài trợ khủng bố hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến cho người vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp...
Đáng chú ý, phương thức vay ngang hàng hiện nay còn liên kết với những trang web, trang mạng xã hội khác, hoặc mạng viễn thông như nhắn tin, gọi điện trực tiếp đến người dân mời chào vay vốn.
Các đối tượng cho vay quảng cáo với giấy tờ và thủ tục khá đơn giản, có trường hợp không cần gặp mặt, không cần thế chấp vẫn được cung cấp tiền. Có thể điểm danh các website cho vay tiền siêu nhanh như Tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, cartvaytien.info, SHA, Mobivi… hoạt động rầm rộ.
Để hấp dẫn khách vay, những trang web này còn có các chiêu trò như cho vay với lãi suất 0% trong vòng 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn, phí dịch vụ 0%... Tuy nhiên, đây chỉ là quảng cáo vì thực thế, có người dân đã phải trả với lãi suất “trên trời”.
Ví dụ tại trang Tima trên di động, lãi suất 15%/tháng, tức 180%/năm; hay tại doctordong.vn, dù công bố lãi suất cho vay chỉ 10,95%/năm, nhưng nếu cộng phí dịch vụ, phí tư vấn… người vay phải trả lãi lên đến 44,1%/tháng, tức là 529,2%/năm.
Tương tự, trên trang web robocash.vn, không công bố lãi suất và quảng cáo “vay càng nhiều, phí và lãi suất càng ít”. Song, khi phóng viên đặt lệnh vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày, thì tổng số tiền mà khách phải thanh toán lên tới 15.465.000 đồng. Như vậy, chi phí và lãi vay lên tới 54,65%/tháng, tức 655%/năm.
Có thể thấy, dù mang danh nghĩa là cho vay ngang hàng, nhưng thực chất là tín đụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng.