Hàng nhái, hàng lậu tung hoành: Liệu có sự bảo kê?

MInh Phương 13/07/2020 09:20

“Ổ” hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vừa được phanh phui tại Lào Cai tiếp tục đặt ra câu hỏi: Vai trò của cơ quan chức năng ở đâu khi để một cơ sở kinh doanh hàng lậu nhởn nhơ suốt 2 năm trời?

Dù bị bắt giữ, tiêu hủy nhưng nạn hàng nhái, hàng lậu vẫn rất nhức nhối. Ảnh: Quang Vinh.

Phần nổi của tảng băng

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình phải kể đến vụ việc hàng giả, hàng nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng bị phanh phui tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hồi tháng 5 vừa qua.

Cụ thể, cuối tháng 5/2020, kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh thời trang trên các tuyến phố thuộc trung tâm Hà Nội như Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Hàng Đường... Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ số lượng hơn 2.000 sản phẩm áo, quần, túi, ví, phụ kiện thời trang giả mạo các nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Burberry... Đa phần sản phẩm không kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cũng vào cuối tháng 5/2020, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra 6 tụ điểm kinh doanh thuộc quận 1 và quận 10 (TP HCM), phát hiện hàng chục nghìn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, Louis Vuitton... Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội trên internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài.

Theo thống kê, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/6/2020, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 26.540 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng, giá trị hàng tịch thu chưa bán hơn 218 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 79 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số vụ việc bị bắt giữ mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, bởi trên thực tế, rất nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán hàng lậu, hàng giả vẫn đang vô tư qua mặt được cơ quan chức năng.

Buông lỏng hay có sự bảo kê?

Gần đây nhất, ngày 7/7 vừa qua, Tổng cục QLTT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) đã tấn công vào một kho hàng lậu với diện tích hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và bắt giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách thời trang giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, được các đối tượng đăng bán công khai trên các trang mạng xã hội.

Triệt phá cơ sở hàng giả, hàng nhái tại Lào Cai.

Điều đáng nói, cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái này đã hoạt động hơn 2 năm tại TP Lào Cai, thế nhưng nhà quản lý không hề hay biết. Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng cơ quan chức năng tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái thời gian qua? Bởi không có lý gì một cơ sở kinh doanh bất chính, buôn bán hàng giả hàng nhái hoạt động một cách công khai như vậy trong suốt một thời gian dài mà nhà quản lý lại không hề hay biết (?).

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Chống buôn lậu gian lận thương mại TP Hà Nội cho rằng, vụ việc tại TP Lào Cai cho dù đã được phát hiện và bắt giữ, song như vậy là quá muộn.

“Hai năm trời cơ sở này hoạt động mà cơ quan chức năng không hề hay biết, cho thấy sự tắc trách của các cơ quan liên quan, trước hết là công an kinh tế, cơ quan quản lý thị trường, sau đó là trách nhiệm của chính quyền cơ sở đã không kiểm tra đôn đốc các đơn vị dưới quyền...”, ông Phú nhận định.

Điều đáng nói, theo vị chuyên gia, tình hình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện diễn ra sôi động, thậm chí có cơ sở hoạt động một cách công khai mà cơ quan chức năng không hề hay biết thì cần xem lại năng lực của nhà làm quản lý. Bởi theo ông Phú, nhiều sự vụ được người dân, báo chí ghi lại hình ảnh làm minh chứng rõ ràng, thì các cơ quan hành pháp với nghiệp vụ chuyên môn cao không thể không biết.

“Nếu vẫn còn tình trạng buông lỏng hay bảo kê cho hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái thì chắc chắn vấn nạn này sẽ còn cửa sống, thậm chí là “sống khỏe”...”, ông Phú bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân mỗi người tiêu dùng cần phải sáng suốt hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, bởi chính tâm lý dễ dãi trong mua sắm của người tiêu dùng đang tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái thương hiệu phát triển một cách tràn lan.

Theo ông Vũ Vinh Phú, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng chính là mắt xích quan trọng, có thể tiếp tay hoặc dập tắt vấn nạn này. Khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay, kiên quyết quay lưng với hàng giả, hàng nhái thì tất yếu các sản phẩm kém chất lượng sẽ không có đất sống.

MInh Phương