Nước sông La đổi màu, người dân lo lắng
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Hiện tượng nước sông La nhuốm màu nước đỏ đục đã xảy ra nhiều tháng. Hàng vạn hộ dân trên địa bàn huyện gặp khó vì nguồn nước.
Cả chục ngày nay, nước sông La qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhuốm màu đỏ đục. Nhà máy nước phải thau rửa bể lọc, tăng cường hóa chất xử lý nhưng nước cấp đến hộ dân vẫn có màu vàng. Hàng nghìn hộ dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Vừa dùng vừa lo
Nắng hạn lâu ngày, nguồn nước ngầm nhiều nơi cạn kiệt, người dân các xã Đức Lạng, Đức Đồng, Hòa Lạc, Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn, Liên Minh, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Tùng Châu của huyện Đức Thọ chỉ biết trông chờ vào dòng nước sông La. Thế nhưng, nguồn tài nguyên chính của hàng nghìn hộ dân lại đang bị “bức tử”.
Giữa cái nắng 40 độ C, ông Thái Văn Xuân (83 tuổi, trú thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) buồn bã nhìn ra dòng nước sông La đục ngầu: “Từ tháng 12/2019 nước sông La đang trong xanh bỗng chuyển màu nâu đỏ trong nhiều tháng liền. Thời điểm đó màu nhạt hơn nên vẫn có thể chấp nhận được nhưng 10 ngày trở lại đây, sông La như bị bức tử vì dòng nước có lúc đỏ như máu, rất đáng sợ”.
Theo ông Xuân, từ xa xưa ngoại trừ mùa lũ, còn lại dòng nước sông La trong vắt, mát rượi. Tài nguyên này là niềm tự hào của người dân Trường Sơn nói riêng, Đức Thọ nói chung. Sau khi phát hiện nước sông La chuyển màu bất thường, bà con rất hoang mang, lo lắng vì đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hơn 80% dân số xã Trường Sơn.
Gia đình ông Trần Hữu Phúc (thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn) lâu nay sống ở ngay cạnh bờ sông La. Trước đây khi nước chưa chuyển màu bất thường, cả gia đình thường xuyên ra sông tắm rửa, giặt giũ. Nước ăn uống sử dụng nước máy cũng được lấy từ sông La.
“Giờ nước máy cấp về đỏ ngầu nên gia đình không dám ăn. Cứ vài ngày lại đi gần 20 km sang xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mua nước về dùng”, ông Phúc nói.
Tính ra, mỗi ngày người dân ở đây phải bỏ ra từ 10 đến 20 nghìn đồng để sang xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An mua nước về ăn, uống, còn tắm giặt chuyển sang sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy như trước đây.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc HTX môi trường và nước sạch Trường Sơn xác nhận: “Nhà máy của chúng tôi có nhiệm vụ cấp nước cho 1.500 hộ dân trên địa bàn xã Trường Sơn. Từ trước đến cuối năm 2019 chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nước sông La bị đổi màu, trừ mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2020 và mới đây nhất (từ 4/7/2020 đến nay) nhà máy phải tạm ngừng cấp nước nhiều ngày vì nguồn nước sông La (đầu vào) bị đỏ đục, không đảm bảo.
Dù đã thau rửa bể lọc, tăng hóa chất xử lý nhưng nước cấp đến hộ dân vẫn có màu vàng. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã đến lấy mẫu nước đi kiểm tra, đang chờ kết quả”.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết: Hiện tượng nước sông La nhuốm màu nước đỏ đục đã xảy ra nhiều tháng liền. Hàng vạn hộ dân trên địa bàn huyện gặp khó vì nguồn nước.
“Hơn 80 nghìn dân (80%) huyện Đức Thọ ăn nước sông La nhưng nay nước chuyển màu như vậy, bà con lo sợ cũng là điều dễ hiểu”- ông Hàm nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, thời gian qua rất nhiều cử tri đã phản ánh vấn đề này đến HĐND cấp xã, huyện, tỉnh.
Nguyên nhân đến từ lòng hồ Ngàn Trươi
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đăng đàn kỳ họp 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh có trả lời nội dung cử tri huyện Đức Thọ phản ánh về việc nguồn nước kênh chính Ngàn Trươi đổ về kênh đào Linh Cảm ra sông La đổi màu bất thường gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Hiện đã xác định được nguyên nhân là do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi có thành phần sắt sa khoáng, xác thực vật đang phân hủy. Nước tầng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ, thành phần sắt 2, khi xả vào đập dâng Vũ Quang nước được hòa tan với nhiều ô xy nên đã chuyển từ sắt 2 sang sắt 3 hydroxit và 1 số muối sắt 3, hầu hết không tan, có màu cam đỏ, nâu xỉn, phần còn lại là các muối phức tan trong nước”.
Báo cáo nêu, thời gian gần đây, nước tuyến kênh Ngàn Trươi vẫn có màu nâu đỏ nhưng nhạt hơn thời điểm trước đó. Kết quả quan trắc theo mạng lưới định kỳ quý II/2020 tại 3 vị trí trên sông La: Cầu Linh Cảm, cầu Thọ Tường, thượng lưu sông Cả cho thấy, các thông số đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia chất lượng nước mặt tuy nhiên phải áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Riêng chỉ số sắt 3 ở cả 3 vị trí lấy mẫu đều cho kết quả chỉ số vượt hạn nhưng không đáng kể. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước trong quá trình sử dụng đặc biệt là sinh hoạt, Sở TNMT đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đức Thọ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp xử lý khử sắt trong nước, thau rửa hệ thống lọc, kiểm soát chất lượng nước đầu ra nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định.
Liên quan đến vấn đề này, từ trung tuần tháng 5/2019, Báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều tin, bài phản ánh về hiện tượng nước tại đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) chuyển màu nâu đỏ, bốc mùi hôi thối kéo dài.
Ngay sau đó, các Bộ ngành Trung ương phối hợp tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, mời các nhà khoa học vào cuộc điều tra nguyên nhân. Kết quả quan trắc mẫu nước thời điểm đó cho thấy, có nhiều điểm thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng.
Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cơ quan chức năng Hà Tĩnh, đặc biệt là Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 4, Bộ NNPTNT - đơn vị xây dựng, quản lý, vận hành đập Ngàn Trươi phải có giải pháp xử lý triệt để.
“Chính quyền cấp trên cần có giải pháp xử lý nguồn nước, trả lại màu xanh cho dòng sông La. Với màu nước đỏ đục như hiện nay, cho dù cơ quan chức năng có kết luận an toàn thì dân cũng không thể an tâm sử dụng”, anh Nguyễn Hải Phong (thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) kiến nghị.