Thêm điểm tựa để người dân thoát nghèo
Ngày 15/7 tới, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều ngành, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đi lên từ nguồn vốn chính sách xã hội
Báo cáo nhanh của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho thấy: Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, các chủ trương huy động vốn đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/10/2019 đạt 211.757 tỷ đồng, tăng 77.085 tỷ đồng so với thời điểm trước ban hành Chỉ thị.
Tại nhiều địa phương, nhờ nguồn vốn này mà việc thoát nghèo đã trở nên dễ dàng hơn. Xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một ví dụ. Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương vùng đồi núi, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động người dân, nhất là hộ nghèo phát huy tiềm năng, sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Thành Chung ở thôn 2, xã Xuân Trạch là một trong những hộ nghèo của xã Xuân Trạch. Năm 2017, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Chung vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư trồng keo lai và chăn nuôi dê. Sau 2 năm đầu tư, với diện tích 5 ha keo lai và đàn dê 50 con, gia đình anh Chung có nguồn thu trên 180 triệu đồng. Có chút vốn để quay vòng, anh tiếp tục đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi tằm, trồng tiêu... Đến nay, từ hộ nghèo, gia đình đã vươn lên khấm khá với nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Hàng triệu hộ dân thoát nghèo bền vững
Từ câu chuyện thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo chỉ đạo và sự góp sức của MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội.
“Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã chủ động thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác qua các phương tiện khác nhau một cách phù hợp; nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng CSXH”, báo cáo nhận định về sự đóng góp của MTTQ và các đoàn thể.
Đánh giá về kết quả đạt được của Chỉ thị 40-CT/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Có thể khẳng định đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo Quốc gia cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng CSXH, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Đến tháng 10/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đạt trên 212 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ USD); dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD).
Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta. Đến nay, đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; trong đó có hơn 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững.
Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương dành cho giảm nghèo còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Chính vì vậy, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn Chỉ thị 40 trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng CSXH để tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực từ các tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.