Cẩn trọng trong “mùa” của viêm não
Hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 được xem như là “mùa” của dịch bệnh viêm não, đặc biệt là trong những thời điểm nắng nóng như hiện nay.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ 5 đến 12-7), nắng nóng gay gắt khiến số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm não gia tăng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc bệnh viêm não nhập viện điều trị. Trong khoảng 2 tuần gần đây, mỗi ngày, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 ca viêm não. Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 55 ca viêm não, trong đó có 27 ca viêm màng não, 8 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca viêm màng não mủ.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong hơn 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000- 1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20- 50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200- 300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa Hè. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi.
Nguyên nhân của viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus. Một số ví dụ điển hình là do herpes virus; do arbovirus lây truyền do muỗi, bét hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo.
Trong đó, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong từ 10 đến 20% và di chứng cao ở trẻ nhỏ từ 25 đến 35%. Căn bệnh này lây nhiễm trung gian qua một con đường duy nhất là muỗi đốt. Nguồn bệnh chủ yếu từ các loài chim, gia súc, đặc biệt ổ virus phát sinh bệnh thường gặp ở lợn và chim.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...
Theo đó, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng, xoay trở để tránh loét do tư thế nằm lâu; vỗ lưng, nằm tư thế dẫn lưu đàm, hút đàm rãi; nếu có bội nhiễm, cần điều trị bằng kháng sinh. Bệnh nhân cũng cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nâng thể trạng.
Mặc dù vậy, căn bệnh này đã có vắc xin và hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi.
Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng chống bệnh viện não Nhật Bản, trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản. Cụ thể, mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản.