Nhà báo Võ Hồng Thu: Tôi không ủng hộ việc xây dựng các trường chuyên
"Mặc dù không cho rằng trường chuyên là nguyên nhân duy nhất tạo áp lực cho học sinh, tôi cũng không ủng hộ việc xây dựng các trường chuyên", nhà báo Võ Hồng Thu chia sẻ.
Tôi là học sinh khóa 2 của Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Văn 1986-1989 nhưng là khóa đầu tiên được học trọn vẹn ở ngôi trường đẹp đẽ đó. Thời chúng tôi, việc thi chuyên không thành một cuộc chạy đua, có định hướng từ cả mấy năm trước của gia đình như các bạn học sinh bây giờ. Thậm chí là chúng tôi “thấy bạn đăng ký thi chuyên thì mình cũng… bắt chước”.
Theo tôi, việc học sinh ngày nay phải chịu nhiều áp lực hơn hẳn so với các thế hệ trước không hoàn toàn do sự xuất hiện của các trường chuyên. Một học sinh ở ngôi trường bình thường nhất cũng dễ dàng phải đối mặt với những núi bài vở và các lịch học thêm dày đặc. Vậy thì áp lực đó khởi phát từ chính những mong muốn của phụ huynh, được kích thích trong sự so sánh với các phụ huynh khác.
Tôi từng đưa con trai đầu đi thi Ams cách đây vài năm và đứng giữa các phụ huynh cũng đang chờ đón con, tôi hiểu ngay rằng con mình không thể đỗ được. Để thi được vào trường chuyên, các cô cậu học trò ngoài việc đều là những đứa trẻ sáng láng, còn phải luyện trong các “lò” với cường độ và kinh phí không nhỏ. Nhưng trên thực tế, việc thi vào PTTH, nhất là với các trường top đầu cũng cam go không kém. Ai đã từng có con học năm cuối cấp II đều hiểu rằng, vào cấp III trường công còn gian khó hơn cả thi ĐH, vào trường có tiếng thì nỗ lực lại càng phải nhân lên vài lần.
Mặc dù không cho rằng trường chuyên là nguyên nhân duy nhất tạo áp lực cho học sinh, tôi cũng không ủng hộ việc xây dựng các trường chuyên. Mô hình học chuyên sâu về văn hóa có vẻ như không còn phù hợp với thời bây giờ, khi mà con người ý thức rằng việc được đào tạo nhiều về phong cách sống mới là điều cần cho cuộc sống.
Còn mỗi cá nhân, hãy cứ hoàn thành tốt chương trình phổ thông bình thường, tự khám phá bản thân phù hợp với lĩnh vực nào, hãy chọn cho mình một lối để vào đời, thông qua việc chọn trường ĐH, khi đó mới thực sự là định hình nghề nghiệp tương lai.
Học văn hóa vừa đủ, có thời gian để tập thể thao, đọc sách, du lịch, nghe nhạc…, học thêm một vài bộ môn nghệ thuật cùng trong quá trình học phổ thông, để tâm đến những hoạt động cộng đồng đặc biệt là các hoạt động khơi gợi thiện tâm, lòng trắc ẩn trong mỗi con người… Đó mới chính là chân dung của một học sinh phổ thông mà tôi nghĩ chúng ta nên nỗ lực xây dựng.