Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Xóa trường chuyên không mấy ý nghĩa
Theo Nhà văn Nguyễn Trương Quý, việc bỏ trường chuyên nếu thực sự là một ý nghiêm túc phải xét trên việc giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, định nghĩa trường chuyên là trường có đầu vào là học sinh giỏi hơn mặt bằng phổ thông hay các học sinh có thiên tư đặc biệt về một môn học. Thứ hai, đầu ra của học sinh trường chuyên thực sự là gì? Ở đây ta chỉ nói tới trường chuyên THPT.
Về vấn đề thứ nhất: vì đầu vào trường chuyên cấp THPT thường có tiêu chí chọn điều kiện cần là các học sinh có học bạ điểm từ loại khá trở lên, hạnh kiểm tốt, đa phần sẽ khoanh vùng các em khá nhất tại các trường THCS. Lẽ dễ hiểu là sau vòng thi tuyển, các em điểm cao sau khi đỗ cũng sẽ nằm ở chóp của cái tháp chất lượng học sinh theo bảng điểm đó. Về thiên tư của học sinh chuyên cho một môn học, cho dù đã sàng lọc qua việc tính điểm môn chuyên ở hệ số 3 (ví dụ vậy), thì các em phải qua quá trình bồi dưỡng và học tiếp một cách chuyên sâu mới có thể coi như một dạng “bán chuyên gia” về lĩnh vực đó, chẳng hạn Văn, Toán, Lý, Hóa hay Sinh học. Xét cho cùng, theo cách thức tuyển sinh và đào tạo hiện nay, các trường chuyên đang làm đúng như vậy.
Nếu bỏ trường chuyên thì chỉ cần đơn giản là không tiến hành việc tuyển học sinh giỏi như vậy nữa. Các trường sẽ có phần đỉnh chóp riêng của mình. Tuy nhiên, những đỉnh chóp rải rác này cũng sẽ tự nhiên hình thành một sự phân loại vô hình giữa các em giỏi môn xã hội với các em xuất sắc môn tự nhiên. Các giáo viên hẳn sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ cho các em có thể thỏa mãn việc học sâu hơn các môn này, để các em có thể phát huy trí lực khi đang học phổ thông. Có thể hiểu đó là một loại chuyên mà không gắn nhãn chuyên. Vậy thì việc xóa trường chuyên thật sự khó mà chấm dứt hiện tượng đương nhiên xảy ra.
Về vấn đề thứ hai: sau quá trình đào tạo học chuyên ở THPT, học sinh trường chuyên cho dù được coi như một dạng “bán chuyên gia” thì cũng chưa thể được coi như có đủ kiến thức và vị trí để hành nghề trong lĩnh vực đã học sâu. Chưa đủ kiến thức là vì môn chuyên vẫn chỉ dựa trên cái nền học vấn phổ thông, chứ không phải dạng thức ĐH. Chưa có được vị trí xã hội chứng nhận là vì bằng tốt nghiệp tú tài mà học sinh chuyên nhận được cũng không có gì khác biệt và dĩ nhiên không thể cạnh tranh với bằng ĐH.
Tuy nhiên do môi trường gồm các học sinh có đầu vào tốt nên xác suất đầu ra như đỗ ĐH các khối có môn chuyên liên quan, đủ điểm đi du học, vào được các trường ĐH lớn,…, có thể ở mức cao nên học trường chuyên được coi như một loại “của để dành” yên tâm đối với các học sinh và gia đình của các em. Ngay cả khi xóa trường chuyên, ở các trường THPT thường, hiện tượng các em học sinh dồn sức vào các môn liên quan ngành học thi vào ở bậc ĐH đương nhiên xảy ra.
Có thể nói, việc xóa trường chuyên không mấy ý nghĩa nếu mô hình đào tạo đại học không thay đổi. Theo tôi quan sát, có một số mô hình dự bị ĐH trên thế giới nhằm giúp cho các học sinh xác định mục tiêu học vấn chuyên môn rõ ràng hơn. Về tính chất, chúng có vẻ gần gũi trường chuyên khi giúp cho các học sinh có thiên hướng đặc biệt ở một môn học theo đuổi mục tiêu của họ.
Về mặt tình cảm cá nhân, vốn là một học sinh trường chuyên, nhất là ngôi trường đang được đưa ra bàn luận gần đây (THPT Hà Nội-Amsterdam), tôi nghĩ đấy là một nơi đã cố gắng làm tốt nhất trong điều kiện có thể thời tôi học. Dĩ nhiên, nhà trường chỉ là 1 trong 3 đầu mối giáo dục con người, bên cạnh gia đình và xã hội. Với thế hệ chúng tôi, đã có lúc việc đi học cùng bạn bè, thầy cô là cả thế giới mới mẻ của mình. Tôi vẫn muốn ngôi trường tồn tại, tất nhiên có sự thay đổi để nó không phải dành cho mục tiêu ngắn hạn kiểu đỗ ĐH hay du học, mà nó còn phải là nơi gieo cấy những khát vọng và suy tư cho dài hạn, nhưng không phải bằng một sức ép vô hình nào lên vai các cá nhân vị thành niên.