Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục nỗ lực ngăn chặn bệnh bạch hầu

Khánh Ngọc 14/07/2020 07:30

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, các tỉnh Tây Nguyên không ngừng khắc phục những khó khăn, trở ngại để phòng chống, ngăn chặn dịch.

Một ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông được kiểm soát chặt chẽ.

2 ca dương tính với bạch hầu, hơn 1.000 người dân bị cách ly

Mới đây, theo thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, đến chiều 12/7, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum) đã ghi nhận 78 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Trong đó, Đắk Nông 29 trường hợp, Kon Tum 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đắk Lắk ghi nhận 3 trường hợp.

Tại tỉnh Đắk Lắk, cho đến thời điểm hiện tại đã có 2 ổ dịch với 3 trường hợp dương tính với bạch hầu. Trong đó, bệnh nhân bạch hầu đầu tiên được phát hiện tại buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Đến ngày 12/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, mới ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với bạch hầu gồm: Bệnh nhân nam tên Vàng A B. (26 tuổi, dân tộc Mông, trú thôn 7, xã Cư Kroá, huyện M’Đrắk) và Giàng Seo C. (26 tuổi, dân tộc H’Mông) là người nhà của bệnh nhân B. Hiện tại, cả hai bệnh nhân này đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với bạch hầu tại thôn 7 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập các chốt chặn, cách ly toàn bộ khu vực thôn 7 để tránh tình trạng lây lan ra cộng động. Theo đó, cùng với việc cách ly toàn 200 hộ dân, với 1.247 nhân khẩu tại thôn 7, lực lượng y tế đã tiến hành điều tra tình hình tiêm chủng của 36 trẻ dưới 14 tuổi sống gần ổ dịch. Kết quả điều tra cho thấy, chỉ có 2/36 trẻ tiêm vaccine Sẹo BCG (tỷ lệ 5,56%); không trẻ nào tiêm 3 mũi vaccine 5 trong 1 (phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà, bại liệt, Hib) và cũng không trẻ nào tiêm vaccine DPT (phòng bạch hầu, ho gà và uốn ván).

Ngành Y tế Đắk Lắk khám sàng lọc cho người dân ở nơi có trường hợp dương tính với bạch hầu.

Trước tình hình trên, ngành Y tế đã nhanh chóng rà soát công tác tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng; triển khai tiêm vaccine Td cho đối tượng từ 7 tuổi đến dưới 26 tuổi tại thôn 7, xã Cư Króa. Tiêm vaccine Td cho đối tượng 7 tuổi tại trường học và cộng đồng trên toàn địa bàn huyện trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020...

Một cán bộ Trạm y tế xã Bông Krang (huyện Lắk) cho biết, đây là lần đầu tiên địa phương có trường hợp dương tính với bạch hầu. Ngay sau khi có kết quả ca đầu tiên dương tính với bạch hầu, lượng người dân đưa con đến tiêm phòng nhiều gấp đôi ngày thường. Do đó, lực lượng Trạm Y tế này phải hoạt động hết công suất để phục vụ công tác tiêm chủng phòng chống dịch.

Khó khăn của cán bộ ở vùng dịch

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, mới đây Viện Kiểm định quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông – nơi có số lượng ca bệnh bạch hầu nhiều nhất ở Tây Nguyên với 29 trường hợp, về việc giám sát chất lượng vaccine, sinh phẩm trên địa bàn.

Qua kiểm tra, giám sát, Đoàn đã phối hợp với Viện Vaccine và Sinh phẩm Nha Trang, Báo Sức khỏe và Đời sống tài trợ 5.000 liều vaccine Td phòng bệnh bạch hầu – uốn ván và 15 thiết bị bảo quản vaccine (hòm lạnh) cho Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông).

Trước đó, trong các ngày 11 - 12/7, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức tiêm vaccine Td mũi 1, phòng bệnh bạch hầu – uốn ván cho 72 hộ gia đình, với 307 nhân khẩu tại cụm 12 (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong) – nơi ghi nhận 3 trường hợp dương tính với bạch hầu và có 1 trường hợp tử vong. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong cũng đã phối hợp với các nhà hảo tâm tặng 71 phần quà gồm 5 kg gạo và các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 20 triệu đồng cho đồng bào Mông đang sinh sống tại Cụm 12 (xã Đắk R’Măng).

Tỉnh Gia Lai tiếp tục nỗ lực phòng chống bệnh bạch hầu.

Bác sĩ K’Le, Phó trạm Y tế xã Đăk R’Măng cho hay, vào mùa mưa để vào được cụm 12 (xã Đắk R’Măng) rất khó khăn, đường đi chỉ là lối mòn, đồi dốc trơn trượt. Bên cạnh đó, người dân sống rải rác, nhà cách nhà cả cây số. Do đó, nhiều trường hợp ngại không ra trạm, nhưng lực lượng của trạm đã mang thuốc men tới tận nhà tiêm phòng.

Làm việc liên tục từ khi xuất hiện bệnh bạch hầu, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, nơi ghi nhận 6 trường hợp dương tính với bạch hầu) không giấu được những mệt nhọc, vất vả. Khi được hỏi về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, chị Nga cho hay, trước khi phát hiện dịch tỷ lệ tiêm chủng của người đồng bào H’Mông tại địa phương đạt khá thấp, chỉ khoảng 40-50%. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng ký tên vào bản cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng mà không cần biết hậu quả về sau ra sao.

Theo chị Nga, cho đến khi dịch bùng phát thì người đồng bào H’Mông ý thức hơn về tác dụng của việc tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng cao hơn. Đồng thời, người dân cũng ý thức hơn trong việc vệ sinh cá nhân, nhà cửa, nơi ở. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thờ ơ, không chịu đi tiêm chủng. Họ cho rằng, bệnh bạch hầu là do đi tắm mưa tự phát lên, chứ không nghĩ là do không đi tiêm chủng phòng dịch.

Tỉnh Gia Lai, sau khi phát hiện trường hợp dương tính với bạch hầu tại làng Bok Rei (xã Đak Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), nâng số lượng trường hợp mắc bạch hầu trên địa bàn lên 20 ca, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa tiến hành cách ly, khoanh vùng dập dịch, phun hóa chất khử khuẩn môi trường và tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng. Mặt khác, chính quyền địa phương lập chốt chặn tại đây để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai ngay chiến dịch tiêm phòng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân trong làng.

Khánh Ngọc