Chuẩn bị kỹ năng cho lao động làm việc ở nước ngoài
Ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Nhiều ĐB cho rằng, người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hiện chủ yếu là công việc giản đơn. Do đó, Luật cần có chính sách định hướng đến trình độ cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng khi đất nước phát triển thì lực lượng lao động cũng phải nâng lên một tầm mới, không phải như cách đây 10 đến 15 năm, thiếu việc làm, bôn ba đi tìm việc. Do đó luật cần phải có những chính sách đủ mạnh, đủ đúng để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn.
Cùng chung quan điểm, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, để có lực lượng đi lao động trình độ cao hơn thì chính sách thế nào cũng cần phải tính kỹ để thể hiện trong luật. Theo ông Bình, đối với lực lượng khá đông học sinh, sinh viên đang học ở nước ngoài thì nên chăng cần thu hút họ vào diện lao động có theo hợp đồng. Hay như vấn đề chính sách sử dụng đối những người sau khi lao động ở nước ngoài trở về nước cũng cần tính toán kỹ”.
Liên quan đến một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước, theo bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Dự thảo luật dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài và theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động sau khi về nước.
Đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người lao động tiếp cận làm các thủ tục hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước khi họ đang làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng: Sau khi luật này ra đời phải tạo ra thị trường lao động cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường lành mạnh sẽ thúc đẩy tăng cường công tác đào tạo quản lý. “Lao động của ta phải có kỹ năng về lao động. Tôi sang nước ngoài thấy nhìn thấy người dân của mình đi lao động rất khổ. Như ở Trung Đông, trời nắng như thế mà dân Việt Nam lao động ở ngoài đường rất đông. Ngay như ở Malaysia đi trèo hái dừa rất cực khổ. Do đó cần có sự cạnh tranh và quản lý nguồn lao động”- ông Phúc bày tỏ.
Theo ông Phúc, chúng ta có các trung tâm dịch vụ việc làm làm nhiệm vụ về đào tạo, tuyển dụng, xuất nhập khẩu. Hiện ở địa phương có một số Trung tâm dịch vụ việc làm và họ chỉ đào tạo mảng dễ. Vì vậy nên đi theo hướng đẩy mạnh cho doanh nghiệp để họ tham gia sâu vào lĩnh vực này. Như thế chính các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, thậm chí Nhà nước có thể đấu thầu để doanh nghiệp tham gia vào. Anh nào không đủ điều kiện thì rút giấy phép hoạt động, lúc đó sẽ giúp cho Nhà nước quản lý tốt hơn, chịu trách nhiệm đến cùng đối với người lao động. Nếu xảy ra cái gì thì anh phải chịu trách nhiệm. Như vậy sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Về bản chất trung tâm dịch vụ việc làm không phải cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là đơn vị sự nghiệp do UBND Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp thành lập, do UBND tỉnh quản lý, hoặc giao cho Sở LĐTBXH quản lý trực tiếp theo Luật Việc làm. Về bản chất trung tâm này chỉ giúp cho UBND tỉnh và Chủ tịch tỉnh thực hiện chức năng quản lý, đưa người đi lao động và theo dõi vấn đề này, còn toàn bộ ngân sách hoạt động của trung tâm này do UBND tỉnh cấp. Trung tâm dịch vụ việc làm không thu kinh phí của người lao động. Đây là cái khác so với các doanh nghiệp, không có tiền môi giới, tiền thu của người lao động. Những chi phí đó đều do UBND tỉnh cấp do đó nếu không giao cho trung tâm này, có nghĩa buộc phải trở lại doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ thu tiền của người lao động. “Vì thế nếu không giao cho 1 đơn vị thì Chủ tịch tỉnh sẽ không biết làm cách nào? Do đó nếu chọn phương án này cũng không phát sinh thêm bộ máy mới, mà chủ yếu giao thêm nhiệm vụ cho người ta, hình thức chính là “đặt hàng” với các trung tâm dịch vụ việc làm”- Bộ trưởng Dung cho hay.
Không đồng tình với phần giải trình, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận “lập luận của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chưa thỏa đáng” về mặt chuyên môn. Dưới góc độ từng là lãnh đạo tại địa phương, theo ông, Sở LĐTBXH quản lý chứ không phải không giao cho trung tâm thì Chủ tịch UBND tỉnh không biết giao cho ai? Hơn nữa, để đưa người lao động đi thì cũng phải đào tạo, thu phí chứ không phải không.
Phát biểu thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Các trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, được thực hiện đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng, không phải mang tính cạnh tranh mà để thực hiện các thỏa thuận theo điều ước quốc tế đã cam kết.
Cũng tại phiên họp, liên quan đến việc có nhiều ý kiến không tán thành quy định thời hạn 5 năm đối với Giấy phép hoạt động dịch vụ, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban thống nhất giữ như quy định của luật hiện hành là không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, bỏ Khoản 2 Điều 11, Điều 13 của Dự thảo luật nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, rà soát để quy định cụ thể các điều kiện, trường hợp bị thu hồi giấy phép nhằm bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ của doanh nghiệp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực này.