Giữ lửa nghề chiếu Bàn Thạch

Chí Đại - Trương Tâm 14/07/2020 08:30

Cách thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam 5km về hướng Đông, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay, cói xanh tốt nằm dọc hai bên bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn.

Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Sợi cói đơn sơ nhưng khi qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người làm chiếu Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu mềm mại, sặc sỡ.

Nhuộm phẩm để có những sợi cói tươi tắn.

Công phu nghề thủ công

Những ngày tháng 7 này, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, chúng tôi tìm đến với thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, nơi mà được xem là cái nôi của nghề chiếu cói Bàn Thạch nổi tiếng xưa nay.

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Phố (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Ông Phạm Phố có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm chiếu. Ông và người vợ đang làm dở chiếc chiếu. Chia sẻ về công đoạn làm ra chiếc chiếu Bàn Thạch, ông nói: Để làm ra một chiếu, đầu tiên là phải hái cói ở ngoài bãi rồi gánh hay chở xe về nhà. Tiếp tục tỉ mỉ ngồi chẻ cói ra thành những sợi nhỏ và đem chúng đi phơi dưới nắng gắt 5 ngày liên tiếp. Phải đảm bảo làm sao cho sợi cói không bị quá khô.

Sau khi phơi khô, người dân đem cói về nhuộm phẩm với đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng… Để nhuộm màu chính xác khó phai thì phải nấu phẩm lên, nhúng từng chùm nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Cói nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không qua dịu vì dễ ẩm mốc. Cói dùng để dệt phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi cói còn dai không chắp nối thì sẽ cho ra một chiếc chiếu mịn màng.

Đến công đoạn dệt, phải chọn loại cây để làm khổ và dệt chiếu thường là cây cau già vì có độ bền, nhẹ và thẳng. Để dệt một chiếc chiếu thường cần có hai người: Một người giữ khổ và một người cầm thoi. Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt sẽ điều khiển mặt cửi chạm nổi âm dương, mắc cửi đơn hay kép cho phù hợp. Bàn tay phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống, cải ba, cải hai… để cho ra các hình hoa văn thật ăn khớp nhau. Sau khi dệt xong, phải đem chiếu đi phơi ngoài trời trước khi đem bán.

Làng nghề đang bị mai một

Theo người dân thôn Đông Bình, trước đây, hầu như nhà nào cũng làm chiếu. Nghề dệt chiếu không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn giúp những người con của làng gìn giữ, lưu truyền nghề truyền thống của ông cha để lại. Nhưng sau này, việc làm chiếu không đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đã chuyển sang một số nghề khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời hoàng kim của làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch không còn nữa.

Cách nhà ông Phố không xa là nhà của ông Võ Nghi. Ông Nghi nói về sự mai một của làng nghề: “Trước kia, ở đây họ làm chiếu đông lắm nhưng giờ họ bỏ hết rồi. Đất trồng cói cũng chuyển sang nuôi tôm, cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Xung quanh đây còn khoảng 10 hộ làm chiếu truyền thống như gia đình tôi. Đa số người làm chiếu hiện giờ là những người đã lớn tuổi.

Mỗi ngày vợ chồng tôi làm được đôi chiếu đem bán được 120.000 đồng, trừ cho chi phí vật liệu thì vợ, chồng tôi còn khoảng 60.000 đồng. Với số tiền này, không đủ cho chi phí sinh hoạt gia đình tôi nhưng vì yêu nghề và muốn lưu giữ nghề mà ông cha để lại nên tiếp tục làm chiếu. Trước thường có khách du lịch ghé đến tham quan, trải nghiệm cách dệt chiếu nhưng đợt rồi do dịch Covid-19 nên họ không đến. Từ khi nghề mai một, thanh niên, những người có sức khỏe đều bỏ nghề hết, nên chúng tôi đều phải tự làm”.

Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết do đặc thù là nghề thủ công nên nghề làm chiếu thường mất nhiều thời gian để cho ra một sản phẩm. Sản phẩm làm ra không đạt hiệu quả kinh tế cao, thị trường đầu ra chưa nhiều nên lao động trẻ đã chuyển sang các ngành, nghề khác.

Mặt khác, gần đây khâu làm nguyên liệu dệt chiếu cũng gặp không ít khó khăn khi các diện tích trồng đay, cói đều bị xâm nhập mặn, cây cói không phát triển, nên chất lượng nguồn nguyên liệu giảm. Sắp tới, xã sẽ quy hoạch lại diện tích trồng cói để sản xuất thêm đồ thủ công mỹ nghệ như giỏ xách, nón, mũ… kết hợp với làng chiếu để phát triển du lịch nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chí Đại - Trương Tâm