Hỗ trợ đúng đối tượng
Các cơ quan chức năng cần hết sức tỉnh táo trong các khâu rà soát đối tượng thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, để không bỏ sót doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những phần tử cơ hội trục lợi chính sách.
Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các gói tín dụng ưu đãi lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là giãn, giảm nợ thuế... Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới phát triển lớn mạnh. Trong khi có không ít doanh nghiệp lao đao, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, đứng bên bờ vực phá sản khó tiếp cận các gói hỗ trợ, thì một số doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng nhiều của đại dịch lại “lăm le xà xẻo” các gói hỗ trợ.
Bộ Tài chính khẳng định, qua rà soát đã phát hiện một số trường hợp một số cá nhân, tổ chức tuy không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, nhưng lại viện lý do dịch bệnh để nấn ná chưa chịu nộp thuế cho Nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, có đến gần 80.000 doanh nghiệp hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được cơ quan thuế thực hiện chính sách giãn, giảm nợ thuế. Song, cũng kiên quyết không giải quyết đối với một số doanh nghiệp viện cớ dịch bệnh để chây ỳ nộp thuế.
Đáng nói, không chỉ lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ nộp thuế, một số doanh nghiệp còn có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh để trốn thuế. Đối với những trường hợp này, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ, đồng thời sẽ đưa ra những biện pháp mạnh nếu cần thiết, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, truy cứu trách nhiệm về tội trốn thuế. Quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thuế là sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng sẽ kiên quyết xử lý những đối tượng chây ỳ, có biểu hiện trốn thuế.
Với một khối lượng hồ sơ đồ sộ của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể xin miễn giảm đủ loại thuế như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp..., cơ quan thuế sẽ phải “căng ra” để rà soát, nhằm đảm bảo không bỏ sót doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những đối tượng lợi dụng chính sách để hưởng lợi. Chỉ cần tắc trách, thiếu trách nhiệm, hay có nhấm nháy tiêu cực thì hậu quả sẽ là khó lường đối với các doanh nghiệp nói riêng và với nền kinh tế đất nước nói chung.
Hậu quả đối với doanh nghiệp có hai vế, đó là có trường hợp trục lợi gây thất thoát ngân sách nhà nước, trong khi có doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn lại không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Những trường hợp trục lợi thì thôi miễn bàn, bởi chỉ cần rà soát chặt chẽ là có thể phát hiện và loại ra. Song, nếu bỏ sót những doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ dẫn họ đến hiện trạng nhẹ thì ngừng sản xuất kinh doanh, nặng thì phá sản.
Và tất nhiên càng nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, càng nhiều doanh nghiệp phá sản thì càng nguy hại cho nền kinh tế nước nhà. Làm sao có thể không “nguy” cho nền kinh tế, khi mà đóng góp của các doanh nghiệp chiếm tới 60% GDP?! Vậy nên chỉ cần hỗ trợ không kịp thời, hoặc bỏ sót không hỗ trợ dẫn đến các doanh nghiệp lao đao, khốn khó không thể phát triển cũng đồng nghĩa với việc giảm thu ngân sách đáng kể. Vậy nên việc rà soát để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng là vô cùng quan trọng.
Không chỉ xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ thuế, còn có hiện trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng làm hồ sơ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Một số khác thì làm hồ sơ xin giãn nợ, giảm lãi vay của các ngân hàng với lý do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên phải ngừng hoạt động, thiếu tiền trả nhân công...
Tóm lại, với bất cứ chủ trương nào của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đều có thể bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để hưởng lợi bất chính. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hết sức tỉnh táo trong các khâu rà soát đối tượng thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, để không bỏ sót doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những phần tử cơ hội trục lợi chính sách. Có như vậy mới vực được nền kinh tế phát triển nhanh trong thời gian tới.