Mặt trận tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên trong tỉnh Kiên Giang đã tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thị Vệ chia sẻ với Đại Đoàn Kết về những đóng góp của Mặt trận trong xây dựng NTM.
Bà Lê Thị Vệ cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Giai đoạn 5 năm từ năm 2016 - 2020, Mặt trận các cấp cùng các tổ chức thành viên đã tổ chức triển khai được 9.290 cuộc tuyên truyền, vận động về chương trình nông thôn mới, có trên 1,8 triệu lượt người tham dự.
Vận động trên hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động, cùng với ngân sách nhà nước đã nhựa hóa 100% các xã trong đất liền; đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt trên 90%; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.
PV:Được biết Quỹ “Vì người nghèo” của Kiên Giang hoạt động rất hiệu quả. Bà có thể cho biết về vấn đề này?
Bà Lê Thị Vệ: Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của Mặt trận đã vận động trên 400 tỷ đồng cất mới 8.234 căn, sửa chữa 1.080 căn nhà Đại đoàn kết, cùng với các địa phương thực hiện tốt tiêu chí về nhà ở.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động trên 17.8 tỷ đồng, cất mới 541 căn và sửa chữa 5 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 13,1 tỷ đồng.
Phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” như: Xây dựng, sửa chữa nhà, tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, làm cầu, đường giao thông nông thôn và các chương trình an sinh xã hội.
Với phương châm “thiết thực, chất lượng, hiệu quả” trong xây dựng các mô hình tự quản, Mặt trận các cấp đã chủ trì xây dựng 490 mô hình ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức thành viên đã xây dựng trên 4.460 mô hình; có 225 mô hình nhân dân tự xây dựng.
Từ những tham gia, đóng góp của Mặt trận, đến nay công tác xây dựng NTM ở Kiên Giang đã đạt được những thành quả gì thưa bà?
- Tính đến nay, toàn tỉnh có 78/117 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã. Một huyện đạt chuẩn xây dựng NTM là huyện Tân Hiệp, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 2 huyện được công nhận là huyện Nông thôn mới (huyện Vĩnh Thuận và huyện Giồng Riềng). Trong 117 xã của toàn tỉnh, Kiên Giang hiện có 78 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 66,6%; 19 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm 16,2%; 16 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm 13,6% và 4 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí, chiếm 3,4%.
Quá trình tham gia xây dựng NTM, hệ thống Mặt trận gặp phải những khó khăn vướng mắc nào thưa bà ?
- Công tác xây dựng quy hoạch và đề án thực hiện còn chậm. Việc huy động các nguồn lực gặp khó khăn, bố trí vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM còn ít, chưa kịp thời; công tác vận động nhân dân đóng góp để thực hiện chương trình chưa nhiều và thiếu tập trung.
Trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến các nội dung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hoá và cải thiện môi trường... Tiến độ đạt các tiêu chí NTM còn chậm, trong đó các tiêu chí về lĩnh vực văn hóa- xã hội và môi trường đạt thấp nhất và chưa bền vững. Bộ máy làm công tác xây dựng NTM các cấp chủ yếu kiêm nhiệm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể từng lúc từng nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ...
Để Mặt trận tham gia công tác xây dựng NTM đạt hiệu qủa bà có những “bí quyết” gì thưa bà ?
- Theo tôi trước tiên, cần hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào. MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về đề án xây dựng NTM của địa phương.
Đặc biệt là tiêu chí về môi trường, nhà ở và giáo dục, bởi đây là những tiêu chí luôn gần gũi với nhân dân, chính quần chúng nhân dân là người thực hiện và cũng là người thụ hưởng trực tiếp. Cùng đó là vận động nguồn lực xây dựng NTM ngay tại địa phương; Nâng cao vai trò giám sát của nhân dân trong giám sát thực hiện các tiêu chí NTM.
Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tập trung thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong việc xây dựng nông thôn mới, chủ động cử cán bộ tham gia tổ tư vấn giám sát của địa phương, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn bà!