Những rắc rối tại Eximbank: Cần Ngân hàng Nhà nước ra tay
Thông tin Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) không thể tổ chức được đại hội đồng cổ đông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những “lùm xùm” của ngân hàng này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh thời gian qua.
5 lần thay Chủ tịch nhưng chưa có Tổng giám đốc
Thông thường, mỗi năm, các doanh nghiệp cổ phần sẽ tổ chức một đại hội thường niên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua, Eximbank chỉ tổ chức được đại hội cổ đông một lần duy nhất thành công là vào năm 2018. Tại đại hội này, các cổ đông đã bầu bổ sung bà Lương Thị Cẩm Tú vào Hội đồng quản trị.
Đại hội cổ đông của Eximbank luôn nóng bởi nó cứ thông báo sẽ diễn ra rồi tạm hoãn, hoãn..., thậm chí vòng quay ấy còn lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Ngay cả trước đại hội đồng cổ đông gần đây nhất diễn ra vào ngày 30/6/2020, dù thông báo từ ngân hàng cho biết, buổi sáng sẽ diễn ra cuộc họp đại hội cổ đông thường niên, buổi chiều là cuộc họp cổ đông bất thường. Tuy nhiên, sau đó, tất cả đều bị hoãn lại.
Không tổ chức nổi đại hội đồng cổ đông thường niên, nhưng Eximbank lại thay lãnh đạo nhanh đến chóng mặt. Thống kê sơ bộ, chỉ trong vòng hơn một năm, Eximbank đã thay Chủ tịch đến 5 lần, luân chuyển từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại về ông Lê Minh Quốc, sau đó sang ông Cao Xuân Ninh và hiện là ông Yasuhiro Saitoh. Lạ nữa, hầu hết các đời Chủ tịch của Eximbank đều không phải là ông chủ thực sự của ngân hàng cũng không phải là cổ đông lớn hay người đại diện cho nhóm cổ đông…
Không chỉ bối rối trong việc chọn Chủ tịch HĐQT, Eximbank còn chưa có người đại diện theo pháp luật chính danh. Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Vinh vẫn chỉ là quyền Tổng giám đốc của Eximbank. HĐQT Eximbank cũng đã từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ được cho là không hợp lệ. Sau đó, Eximbank tiếp tục bổ sung hồ sơ để hoàn tất các thủ tục cho ông Nguyễn Cảnh Vinh lên làm Tổng giám đốc nhưng NHNN chưa… trả lời.
Theo Điều lệ Eximbank, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật duy nhất. Trong bối cảnh, Chủ tịch HĐQT thay liên tục, việc khuyết vị trí người đại diện theo pháp luật khiến hoạt động của ngân hàng này không thể suôn sẻ. Vụ nữ đại gia Chu Thị Bình mất tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP HCM (Eximbank TP HCM) đã khiến ngân hàng này phải bồi thường số tiền lớn. Ngoài số tiền 245 tỷ đồng đã tất toán, trong phiên tòa vào tháng 4/2019, TAND Cấp cao tại TP HCM còn buộc Eximbank TP HCM trả bà Chu Thị Bình hơn 115,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Đây không phải là vụ mất tiền duy nhất xảy ra tại Eximbank. Năm 2017, có 6 người gửi tiền tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) bị chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm.
Còn theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2020 của 27 ngân hàng trong nước, tính đến ngày 31/3/2020, Eximbank có tổng tài sản trị giá 157.171 tỷ đồng giảm 6,2% so với thời điểm 31/12/2019; tổng tiền gửi khách hàng là 129.108 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cuối năm 2019. Một vài con số để thấy “sức khỏe” của Eximbank có vẻ “đang có vấn đề”.
Đi tìm sự “ổn định” cho Eximbank
Để Eximbank hoạt động hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi Eximbank phải có người đại diện pháp luật- luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND tối cao nhận định.
Luật sư Phạm Công Hùng nêu ra 4 phương án giải quyết khủng hoảng cho ngân hàng này, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc phê duyệt nhân sự dự kiến của HĐQT và Ban kiểm soát trong nhiệm kỳ VII (2020 - 2025), để làm căn cứ cho các cổ đông bầu được người xứng đáng đại diện cho họ quản trị và điều hành Eximbank trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank năm 2020 lần 2 sắp diễn ra và sớm xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật để Eximbank chính thức bổ nhiệm chức danh quan trọng này.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng đề nghị NHNN thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm cổ đông của Eximbank, bao gồm việc chỉ đạo ngân hàng sớm tổ chức cuộc họp với các cổ đông/nhóm cổ đông chiến lược và quan trọng trước khi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 2.
Ông Phạm Công Hùng cũng kiến nghị, cần thiết phải có vai trò của Nhà nước để điều chỉnh và uốn nắn những mặt trái của cơ chế thị trường trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp trong đó có Eximbank.
Trong tình cảnh “ba bè bảy mối” như tại Eximbank việc NHNN có những can thiệp hợp lý, đúng luật sẽ giúp ngân hàng ổn định, phát triển đóng góp chung vào sự phát triển của thị trường tiền tệ nhất là khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.