Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, triều Nguyễn nổi lên ba vị vua yêu nước. Trong đó, vua Hàm Nghi từng dời kinh thành, bôn tẩu, ra chiếu Cần Vương. Ngày 13/7, tại Khu di tích quốc gia thành Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã khánh thành Đền thờ vua Hàm nghi và các tướng sĩ Cần Vương.
Thành Tân Sở được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Việc xây dựng hạng mục đền thờ vua Hàm nghi và các tướng sĩ Cần Vương có một ý nghĩa rất lớn. Là hành động tri ân một vị vua triều Nguyễn và các tướng sĩ đã đứng lên chống Pháp từ năm 1885.
Vào đêm ngày 4, rạng sáng 5/7/1885, sau cuộc binh biến bất thành chống Pháp, các đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa Vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế để tìm đường cứu nước. Vua quan nhà Nguyễn quyết định ra Bắc. Vì đường xa xôi, quân giặc truy đuổi gấp nên thành Tân Sở được Vua Hàm Nghi cùng quần thần lựa chọn làm căn cứ chiến đấu. Tại thành Tân Sở, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi tướng sĩ, thân hào, sĩ phu cả nước đứng lên phò vua đánh giặc cứu nước.
Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ như vậy được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Đền thờ gồm năm gian và hai chái, được mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn. Đền thờ có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Trước ngày khánh thành đền thờ, vào ngày 12/7, lễ rước ngai vị vua Hàm Nghi từ Khu di tích kinh thành Huế đã diễn ra. Ngai vị các tướng lĩnh như Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết được rước từ làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế về Tân Sở. Còn ngai vị Quận công Nguyễn Văn Tường được rước từ đền thờ của ông ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về Tân Sở.