Bịt lỗ hổng công tác cán bộ
Nếu không kịp thời bịt ngay các lỗ hổng trong công tác tổ chức cán bộ, sẽ lại vẫn có những phần tử thoái hóa biến chất chui sâu, leo cao vào bộ máy của các tổ chức đảng và chính quyền.
Việc Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM Trần Trọng Tuấn chỉ sau 15 ngày nhận quyết định bổ nhiệm đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam giam khiến dư luận xã hội không khỏi bất ngờ.
Người ta xì xầm bàn tán, rằng vì sao một cán bộ sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm, để rồi chỉ sau nửa tháng đã phải vào trại giam?! Đây có lẽ là một lỗ hổng lớn về công tác tổ chức cán bộ, không chỉ của TP HCM mà còn của nhiều địa phương khác.
Làm sao có thể tránh được sự “dị nghị” của dư luận xã hội, khi mà sai phạm của ông Trần Trọng Tuấn trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) là khá rõ, nhưng vẫn được Thành ủy TP HCM đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí Phó Chánh Văn phòng Thành ủy? Dù là “vô tình” hay “hữu ý” thì trong việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trần Trọng Tuấn là đều không thể chấp nhận. Việc cán bộ chỉ sau 15 ngày được bổ nhiệm đã phải đối mặt với án phạt tù tạo nên dư luận rất xấu.
Không chỉ có ông Tuấn giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của UBND thành phố, cùng các sở, ngành của địa phương này bị cơ quan công an “hỏi thăm” là điều vô cùng đau xót trong công tác cán bộ.
Hiếm có địa phương nào trong một thời gian ngắn có tới 3 người từng là Phó Chủ tịch UBND thành phố phải đối mặt với án phạt tù vì những hành vi vi phạm pháp luật, gồm: Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến.
Từ việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của UBND TP HCM, lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn bị khởi tố, bắt tạm giam cho thấy công tác tổ chức cán bộ của địa phương này trước đây thực sự có vấn đề, nhiều lỗ hổng. Theo quy định của Đảng và Nhà nước, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hết sức chặt chẽ, vì sao vẫn lọt những cán bộ thoái hóa, biến chất luồn sâu, leo cao lên những vị trí lãnh đạo chủ chốt của thành phố, để rồi một thời gian sau đó bị “xộ khám”?
Câu chuyện đau lòng về công tác cán bộ tại TP HCM gợi nhớ lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và UBND tỉnh Hậu Giang.
Chính vì sự chuyên quyền, luôn muốn xây dựng nhóm lợi ích, cánh hẩu, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã quy hoạch, giới thiệu, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại UBND tỉnh Hậu Giang, để rồi sau đó không lâu bị khởi tố, truy nã quốc tế vì bỏ trốn.
Có lẽ phải cần nhiều trang giấy để liệt kê hết danh sách những quan chức bị “ngã ngựa”, sau một thời gian chui sâu vào các cơ quan quản lý tại các bộ, ngành, địa phương, thậm chí là một số vị trí cấp cao của bộ máy nhà nước.
Song, tựu trung lại thì tất cả các quan chức trên đều có một điểm tương đồng, đó là rất được lòng người khác, thậm chí khi lấy phiếu tín nhiệm luôn đạt tỷ lệ khá cao. Có ý kiến cho rằng, loại cán bộ này luôn giấu khuôn mặt thật đằng sau chiếc mặt nạ hòa nhã, tươi tỉnh, khiêm nhường...
Song, dù cho có hóa trang giỏi đến đâu, nhưng nếu những người làm công tác tổ chức cán bộ thực sự có tâm, có tầm, tin rằng không có bất cứ chiếc mặt nạ nào có thể che được những cặp “mắt lửa ngươi vàng” của họ. Vấn đề ở chỗ, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lâu nay ở một số địa phương đôi lúc còn hời hợt, xem nhẹ trong việc nhìn nhận toàn diện con người về cả đức và tài. Đó là lý do khiến không ít cấp ủy đảng, bộ, ngành, địa phương quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm “nhầm” những cán bộ thoái hóa, biến chất.
Đó là còn chưa kể không hiếm trường hợp chạy chức chạy quyền, nhấm nháy tiêu cực, để rồi “nâng đỡ không trong sáng”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hơn một lần yêu cầu các cấp ủy đảng, bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết loại ra khỏi cơ cấu nhân sự những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, vận động hành lang không trong sáng...
Song, thực tế để nhận diện chuẩn các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm lại không hề đơn giản, nhất là đối với những người lãnh đạo luôn muốn xây dựng phe nhóm, ê kíp... để dễ bề “làm ăn”, vơ vét cho đầy túi tham.
Hiện, đang trong cao điểm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, nếu không kịp thời bịt ngay các lỗ hổng trong công tác tổ chức cán bộ, sẽ lại vẫn có những phần tử thoái hóa biến chất chui sâu, leo cao vào bộ máy của các tổ chức đảng và chính quyền. Hy vọng những chuyện đau lòng đó không còn xảy ra nữa!