Dẹp loạn nhan sắc ‘chui’

Hoàng Minh 15/07/2020 11:20

Việc tổ chức ồ ạt, thậm chí các thí sinh đi thi “chui” các cuộc thi hoa hậu, người đẹp vốn không phải là câu chuyện xa lạ gì trong những năm qua. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc “loạn” các danh hiệu về nhan sắc.

 Việc loạn các danh hiệu hoa hậu, người đẹp đang làm xấu hình ảnh của các cuộc thi nhan sắc. Ảnh minh họa.
Nhiều cuộc thi góp phần tôn vinh nhan sắc Việt. Ảnh minh họa.

Bộ VHTTDL vừa có buổi làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có việc phân cấp tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó…

Sau khi lấy ý kiến, các thành viên đã thống nhất phương án “Bộ VHTTDL quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn”. Phương án này được dẫn giải là nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Có thể nói đây là một động thái của ngành văn hóa trong việc “dẹp loạn” các cuộc thi người đẹp “trá hình” từ quốc tế đến cấp phường, cấp xã trong thời gian qua. Bởi hầu hết các cuộc thi người đẹp bên cạnh những “trái ngọt” là những lùm xùm, biến tướng với vô số hệ lụy sau đó.

Đặc biệt, việc dùng danh hiệu hoa hậu, người đẹp làm một công cụ để nâng giá bán dâm bị cơ quan công an phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Ở đó, nhiều người đẹp, hoa hậu dù tạo cho mình “vỏ bọc” hoàn mỹ nhưng để rồi sau đó làm mọi người “ngã ngửa” khi bị phát hiện tham gia các đường dây mại dâm với số tiền “khủng”.

Ở một góc độ khác với con số lên tới nghìn hàng chục nghìn đô cho một lần bán dâm không thể phủ nhận đây là “cám dỗ” quá lớn để nhiều người đẹp khó lòng từ chối.

Bên cạnh đó, mặc dù có quy định những cuộc thi người đẹp không được cấp phép theo kiểu “tự xưng danh hiệu”, đơn vị tổ chức có thể sẽ bị “phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng và phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam” (Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

Tuy nhiên, với số tiền phạt trên dường như cũng chẳng “thấm” vào đâu so với những lợi ích thu lại sau mỗi cuộc thi. Có thể kể đến những cuộc thi gây ồn ào như “Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt”, “Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu”, “Hoa hậu doanh nhân Việt Nam”, “Hoa hậu tài năng duyên dáng toàn cầu”…

Có những cuộc thi được tổ chức chóng vánh, thời gian tuyển chọn và trình diễn chỉ vỏn vẹn 2-3 ngày, có cuộc thi đăng ký cấp phép là buổi trình diễn, nhưng lại là thi nhan sắc núp bóng…

Cùng với các chế tài với các cuộc thi trong nước, một trong những điều liên quan đến việc cấp phép cho các người đẹp, người mẫu, thí sinh tự do… tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài cũng đang đặt ra những băn khoăn.

Trước đó, nhiều người đẹp đi thi “chui” tại các cuộc thi quốc tế khác cũng đã tạo nên một hình ảnh xấu với các “sân chơi” về nhan sắc. Những cái tên như Lê Âu Ngân Anh, Nguyễn Thị Thành, Quế Vân, Mai Ngô, Huỳnh Tiên… từng làm “dậy sóng” dư luận một thời gian về hành vi thi người đẹp chui và không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.

Theo dự thảo Nghị định mới được xây dựng theo hướng trả lại quyền tự do cho người dân để họ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nghĩa là hướng tới bỏ điều kiện không cần điều kiện về danh hiệu Top 3, Top 5 hay Top 10 mới được cấp phép tham dự các cuộc thi sắc đẹp ở phạm vi ngoài lãnh thổ. Như vậy đồng nghĩa với việc công dân có điều kiện theo yêu cầu cuộc thi được phép tham gia.

Lý giải về quy định này, NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nói là thông thoáng hơn nhưng không có nghĩa thích là xách va li lên đường mà cần tuân thủ các quy định cụ thể. Đối với hiện tượng thí sinh tham gia một số cuộc thi ở nước ngoài để lấy mác giải thưởng hòng quay về nước làm hình ảnh và kiếm tiền, các nhà quản lý và nhà hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn cho rằng những giá trị ảo, không phù hợp sẽ bị dư luận xã hội đào thải.

Quyền Cục trưởng cũng cho biết thêm, để xử lý những vi phạm trong các cuộc thi sắc đẹp, dự thảo cũng đưa ra yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong các trường hợp như vi phạm quy định của Nghị định, Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận… Về thẩm quyền thu hồi, Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Có thể nói, sau hàng loạt những “lùm xùm” trong các cuộc thi về nhan sắc, uy tín và giá trị của các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam đang dần giảm sút. Mặc dù ở đó chỉ là “những sâu làm rầu nồi canh” những đã để lại cho công chúng về giá trị thật của nhan sắc Việt.

Ở đó, bên cạnh những quy định lỏng lẻo lỗi lớn của việc này chính là sự tung hô quá đà của một bộ phận công chúng, mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định mới cũng nên có các quy định chặt chẽ trong việc giám sát sự việc này.

Hoàng Minh