Đào Trọng Khánh - tầm vóc thi nhân
Đất Cảng Hải Phòng lắm người tài hoa. Xưa cũng thế mà nay vẫn thế. Trong số đó, khó bỏ qua Đào Trọng Khánh. Ông là đạo diễn, ông là biên kịch, ông là nhà thơ…
1. Mới rồi, ở tuổi 80, NSND Đào Trọng Khánh lên Hà Nội ra mắt cuốn sách “Đất & người”. Đã không còn thấy một người ăn sóng nói gió nơi Đào Trọng Khánh. Đã không còn gặp một dáng đi nhanh nhẹn nữa. Chỉ gặp một Đào Trọng Khánh bước chậm, nói chậm. Nhưng bạn hữu ai cũng vui. Vì ai cũng đều đã già, sẽ già, phải già. Thậm chí rồi sẽ có những ngày vui mà không đến được.
Hà Nội hôm ấy trời nắng, nhưng người đến chia vui như đi hội, vì thế không gian ở 65 Nguyễn Du không đủ ghế mà ngồi. Nhà thơ Dương Tường mắt mờ chân chậm phải nhờ cháu đưa đến dìu bước lên cầu thang. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vừa từ phương Nam ra cũng vội vã đến. Rồi dập dìu những đạo diễn Đặng Nhật Minh, Quốc Trọng; nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, nhà văn Y Ban, nhà thơ Vi Thùy Linh… Mới thấy, sức hút của Đào Trọng Khánh là thế nào. Thế nên khi Đào Trọng Khánh lên Hà Nội, cứ vui thôi. Vui từ 10 giờ sáng vui tới 5 giờ chiều. Niềm vui chảy tràn qua những câu chuyện, cũ cũng lắm mà mới cũng nhiều…
NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Đầu thập niên 60, trước khi đến với điện ảnh, ông từng là công nhân làm việc trong Cảng Hải Phòng. Ông khởi nghiệp thi ca với bút danh Đào Nguyễn. Những câu thơ mang tín hiệu tài hoa của Đào Nguyễn được nhiều đồng nghiệp nhắc đến như “Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới/ Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi…”. Đến năm 1965, trở về với cái tên khai sinh là Đào Trọng Khánh, ông quyết định chọn lĩnh vực phim tài liệu cho sự nghiệp nghệ thuật của mình. Trong giai đoạn bom đạn Mỹ dội xuống Hải Phòng, những thước phim do Đào Trọng Khánh quay lại trở thành bằng chứng sống động cho tinh thần can trường của quân và dân thành phố hoa phượng đỏ.
Say nghề say nghiệp, thời gian làm ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông là người có thể tự làm mọi khâu để hoàn tất bộ phim tài liệu của mình: viết kịch bản, đạo diễn. Thậm chí, ông trực tiếp quay phim, dựng phim, chọn nhạc, và kiêm luôn việc viết lời bình. “Tôi thường nhờ người này người kia quay phim, mỗi người quay một đoạn với tôi không quan trọng. Họ quay xong, tôi tự dựng phim của mình, tự cắt ghép, chọn nhạc, viết lời bình, và ngay cả đọc lời bình cũng là tôi. Hầu hết các phim của tôi đều làm một mình, thành ra phim... rất lạ. Những phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp... cũng chỉ có tôi thực hiện, cần thì tôi lấy thêm phim tư liệu ra để làm thành bộ phim riêng”, ông kể.
Không chỉ viết lời bình cho phim của mình, Đào Trọng Khánh còn là người viết lời bình cho nhiều bộ phim tài liệu trứ danh như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…
Những bộ phim của Đào Trọng Khánh luôn tạo được một phong cách nghệ thuật riêng. Tố chất thi sĩ sẵn trong máu khiến phim tài liệu của Đào Trọng Khánh luôn có chất thơ. Chất thơ được khéo léo sử dụng khiến cho phim tài liệu - một thể loại điện ảnh vẫn thường được coi là khô khan, khó tiếp nhận - trở nên mềm mại hơn, dễ đi vào lòng người hơn.
Tài năng của đạo diễn Đào Trọng Khánh đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 giải kịch bản, 4 giải đạo diễn xuất sắc nhất). Đặc biệt, năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và năm 2007 được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “1/50 giây cuộc đời”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Hình bóng tổ tiên”.
2. Năm 2005 cầm trên tay sổ hưu, NSND Đào Trọng Khánh rời Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hà Nội) về sống thư nhàn tại Hải Phòng. Như lẽ tất nhiên, ông quay lại với văn chương. Không chỉ với những câu thơ mang niềm riêng ngậm ngùi, bạn hữu bắt đầu thấy ông lục lọi ký ức để viết về những người ông gặp, những vùng đất ông đi qua… mà trước đây chưa có dịp đưa vào những thước phim tài liệu.
Vốn liếng của người làm phim tài liệu không chỉ có tài năng, kiến thức mà còn phải có cả những thước phim tư liệu sống động. Đạo Trọng Khánh tiết lộ rằng, ông có vài trăm cuộn băng tư liệu với hàng vạn phút phim tư liệu về các nguyên thủ, nghệ sĩ nổi tiếng. Khi làm phim về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ông đã quay tới hơn 700 phút phim, khi dựng phim chỉ “lấy” 30 phút. Như vậy, số tư liệu chưa dùng còn khoảng 700 phút phim. Tương tự như vậy, trong tay ông còn có nhiều tư liệu sống động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cũng như rất nhiều tư liệu về các văn nghệ sĩ…
Về hưu, có nhiều thời gian, Đào Trọng Khánh thi thoảng lấy ra xem. Với ông, tư liệu là quá khứ, là nơi chốn, khi ta muốn tìm thì xem lại. Xem lại, là được trở về con người, cảnh vật, thời gian đã sống. Qua hình ảnh tư liệu, tôi trở về với những nhân vật đã gặp, và nhớ lại quãng đời ấy của mình. Có những người, lâu không gặp lại ngoài đời, lại gặp qua tư liệu. Có nhân vật quen thuộc, “gặp lại” họ, không thấy thay đổi giữa ngày ấy và bây giờ, bằng cảm nhận.
Gặp lại và viết ra những con chữ để giờ đây một cuốn sách “Đất & người” (NXB Hội Nhà văn) dày hơn 400 trang, ngồn ngồn tư liệu, vừa được ra mắt độc giả.
“Đất & người” có thể là cuốn sách cuối cùng của NSND Đào Trọng Khánh, biết đâu. Vì thế, nó xứng đáng nhận được sự chăm chút kỹ lưỡng. Việc này, họa sĩ Lê Thiết Cương đã thật sự có tâm, khi dành nhiều thời gian cho cuốn sách, từ biên tập, chọn nhà xuất bản, viết lời giới thiệu… Thậm chí, chữ “&” trên bìa sách chọn mãi font chữ trên máy tính không ưng, họa sĩ Lê Thiết Cương đã quyết định vẽ tay. “Trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chẩy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn - thấy để đến nhìn - không nhìn, nhìn - không. Chỉ khi nhìn - không thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để “bịa”, để vô lý, “vô nghĩa” lên ngôi. Nhìn - không chính là thi ca, là con mắt của thơ. Đào Trọng Khánh dù làm văn làm báo làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân”- họa sĩ Lê Thiết Cương quả quyết.
Chọn bìa là bức tranh Tam bạc của họa sĩ Lưu Công Nhân, sách còn có nhiều phụ bản minh họa của các họa sĩ Trịnh Tú, Hoàng Phượng Vỹ, Nguyễn Thị Hiền, Đặng Tiến, Phạm Trần Quân… Sách được chia làm 2 phần. Phần 1 “Cách mạng” gồm các bài viết thấm đẫm tinh thần cách mạng về cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…; bài viết về những cái chết trước giây phút hòa bình của những người dân và cả của những người lính ở hai bên chiến tuyến trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.
Phần 2 “Đất & người” gồm các bài viết về bạn bè, nghệ sĩ, đồng nghiệp như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Lưu Công Nhân, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Tùng… Và cũng gặp ở đây những trang viết của Đào Trọng Khánh về Hải Phòng quê hương. Ông viết về Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc với nhiều hồi ức cùng những tiếc nhớ…
Đời làm phim tài liệu cho Đào Trọng Khánh những chuyến đi. Đi và đến. Đi và gặp. Đến vùng đất mới, những địa danh mới, và thường là khiến ông ngẫm nghĩ. Nghĩ về những ngôi đình Nam Bộ. Nghĩ về làng Việt, nhà Việt đang biến đổi rồi miên man nghĩ tới những tượng đài trên biển. Nghĩ cả về những hòn đá vọng phu: “Đó là những người vợ lính, chồng đi mãi không về, ôm con lên núi ngóng trông, lâu ngày rồi cả mẹ lẫn con đều hóa đá. Trên thế giới, có lẽ chỉ có những dân tộc nào hiền lành, bị chiến tranh biến thành thảm họa, mới sinh ra những huyền thoại thủy chung đau lòng như vậy suốt mấy ngàn năm”… Gặp những con người mà tài năng và sự tài hoa của họ đã được khẳng định và nhắc nhớ. Đó là Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Ngô Kha, Nguyễn Khắc Phục… Những bài ông viết, thường không dài, nhưng thần thái nhân vật được phác họa sắc nét bằng ngôn từ. Ví như khi ông nhận xét: “Nguyên Hồng uống rượu say, đứng ngây râu nhìn dòng sông Tam Bạc”; hay: “Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì”…
Trong cái viết của Đào Trọng Khánh thấy có sự chân thực, không tô vẽ và cả sự trắc ẩn. Bài học “Có lòng trắc ẩn mới ra con người” ông từng nằm lòng từ những ngày thơ dại ngồi trên ghế nhà trường. Với Đào Trọng Khánh, lòng trắc ẩn nảy sinh từ sự cảm thông trước những cảnh ngộ của con người, thiên nhiên, của mọi sinh linh đang cần được cứu giúp. Lòng trắc ẩn ngăn chặn ta không được làm hại ai, thúc giục ta hành động…
Xưa tôi trôi như một cánh buồm
Giờ tôi đã là bến cũ
Xưa quăng lưới theo đàn cá lạ
Nay cá đã phơi rồi lưới rách te tua
Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô
Ta sẽ thả các người xuống nước
Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất
Nơi đáy sông im lặng đời đời…
(Trích “Bên bờ Tam Bạc - Tự ước một mình” - thơ Đào Trọng Khánh)