Thương nhớ đồng rừng
Người miền xuôi lên đây, hết trầm trồ ngợi ca lại hít căng lồng ngực thứ không khí đặc quánh thanh sơ. Đẹp mờ ảo, đẹp như tranh thủy mặc với hai thứ màu đen trắng nhạt nhòa, giản dị đến nao lòng.
1. Thương nhớ gì lại thương nhớ đồng rừng? Thế mà thương nhớ thật. Nhất là những ngày hè nắng đổ lửa thế này. Nhớ những sáng, những chiều đi qua những địa danh như Tả Củ Tỷ, Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài, Tả Van Chư, Nậm Mòn, Y Tý... mù sương buốt giá.
Với khách du lịch, đến Tây Bắc, được chìm vào thung sương là một trải nghiệm khác biệt. Nhưng với bà con nơi đây, sương như bạn với người. Sáng sớm tỉnh dậy sương lùa vào giường. Buổi trưa lên nương, sương bủa quanh người. Chiều tối bên bếp lửa, sương vẫn chờn vờn ngoài cửa. Sinh ra đã thấy một màn mờ ảo. Ra đi cũng như lẫn vào mây trời. Sương câm nín chưa bao giờ nói. Người cũng lặng lẽ chưa bao giờ hỏi, nhưng cứ thế mà quấn quýt bên nhau, để người đấy, sương đấy, núi đấy, bao đời làm nên một bức tranh vùng cao trầm mặc, mờ ảo, quyến rũ.
Nhưng sương Tây Bắc như một “nhân vật” vừa trữ tình vừa khắc nghiệt.
Người miền xuôi lên đây, hết trầm trồ ngợi ca lại hít căng lồng ngực thứ không khí đặc quánh thanh sơ. Đẹp mờ ảo, đẹp như tranh thủy mặc với hai thứ màu đen trắng nhạt nhòa, giản dị đến nao lòng. Sương kỳ diệu trong mắt lữ khách đô thành khi la đà một chốc rồi lại bay biến đi hết, lộ ra những cô sơn nữ trang phục rực rỡ đứng nép bên hiên nhà, bên những vườn cải như chờ như đợi một tiếng khèn môi.
Rồi, sương khiến người miền xuôi... sợ.
Sợ những cung đường bồng bềnh chẳng biết đâu là vách núi, đâu là vực thẳm.
Sợ những con dốc bật đèn pha hết cỡ chỉ thấy hơi ẩm đến độ bão hòa.
Sợ cả cảm giác tóc bết dính, phổi lành lạnh, sợ luôn một lúc hốt nhiên tỉnh dậy, chẳng biết mình sống trong cõi thực hay cõi ảo.
Còn với cư dân Tây Bắc, quanh năm gắn bó ở những mảnh đất như thì lại có nỗi sợ sương của riêng mình. Sương có thể khiến trâu bò ốm. Sương khiến củi mục, rơm ướt. Sương làm cho ngô khoai thu hoạch không thể phơi khô...
Cuộc sống của cư dân sinh ra ở núi buộc phải sống chung với sương. Vẫn bấm chân trên những triền núi mịt mùng, đi bằng cảm giác, bằng thói quen hơn là bằng mắt nhìn. Vẫn rơm rạ quanh năm ẩm ướt, vẫn quần áo quanh năm không khô nếu chẳng được hong trên bếp hăng xè mùi than củi. Vẫn một bếp lửa hồng le lói sáng bên sườn núi đủ để làm ấm lòng bất cứ ai chợt lỡ độ đường.
Dọc miền sương thẳm, tôi đã bắt gặp những hình ảnh khiến mình phải thay đổi cách nghĩ. Trước một sự việc, không chỉ nhìn bằng mắt, mà cần đánh thức các giác quan trong mình nữa. Hãy trải lòng với những người chợt gặp nhưng khó quên ấy.
2. Đi trên những cung đường miền cao, thích nhất là được hưởng cái không khí nguyên sơ, của thiên nhiên, cỏ cây. Nhưng thú vị, vẫn là gặp được những người hết lòng để gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Nhớ một lần đến Mường Khương - Lào Cai tìm gặp thi sĩ Pờ Sảo Mìn. Từ trung tâm thị trấn hỏi đường đến nhà ông, nhiều người tận tình chỉ đường. Nhà ông Mìn loách ngoách qua nhiều lối rẽ, mãi rồi chúng tôi cũng đến được, khi cái nắng cuối chiều đang nhạt dần.
Khi chúng tôi đến, ông đang đi cuốc đất ở mảnh ruộng cách nhà không xa. Gọi to ông nghe thấy. Thấy có khách, ông lật đật vác cuốc về. Dáng người hom hem. Nước ra đen ánh. Chân trần còn lấm đất. Ông Mìn vuốt mồ hôi dòng dòng trên áo, bắt tay hỏi han thắm thiết. Rồi ông kéo vào nhà, rót rượu mời uống thay uống nước.
Thi sĩ Pờ Sảo Mìn sinh lúc nửa đêm ngày đầu tiên của 1946 tại thôn Na Khui, xã Mường Khương, dưới chân rừng cấm Cốc Chứ. Ông là người dân tộc Pa Dí, một trong những dân tộc thuộc ngữ hệ Tày-Thái trên rẻo cao Mường Khương hùng vĩ. Ông có những vần thơ mà người dân tộc Pa Dí và nhiều người của các dân tộc khác đã thuộc lòng:
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Như cái cây hai ngàn chiếc lá…
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Một cây đứng trong muôn ngàn cây đứng…
Ông làm bài thơ này vào quãng những năm 70 của thế kỷ trước, lúc đó người Pa Dí khoảng 2.000 người. Dù thời cuộc có nhiều biến chuyển, nhưng từ bây đến nay, Pờ Sảo Mìn vẫn chỉ coi mình là một trong vài nghìn chiếc lá ấy, và ông đã sống cả cuộc đời với đất và người nơi đây. Chúng tôi đề nghị thi sĩ chân đất Pờ Sảo Mìn đọc lại bài thơ “Con trai người Pa Dí” nổi tiếng của ông. Nhấp một ngụm rượu, giọng ông vang lên:
Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo
Uống nước nguồn trong veo
Con trai người Pa Dí
Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng
Dáng có vẻ ngang tàng như quẫy đạp trần gian…
Quả đúng như vậy, thi sĩ Pờ Sảo Mìn là người đã tôn vinh tộc người Pà Dí trên non cao Mường Khương bằng những vần thơ gần gũi, dễ nhớ dễ thuộc. Vì thế, không chỉ người Pa Dí thuộc thơ ông, người Kinh cũng thuộc thơ ông. Thơ ông như tiếng hót của một loài chim rừng hoang dã, vang lên từ sâu thẳm tâm hồn: “Dáng trai trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày/ Con gái đẹp trong giá buốt đông sang/ Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng"…
3. Mỗi khi có dịp đi đến một tỉnh vùng cao phía Bắc, bao giờ tôi cũng cố gắng dừng lại ở thị trấn xứ đồng rừng để ngủ một đêm. Cái cảm giác về một không gian sống khác hẳn với phố thị ồn ào luôn mang đến trải nghiệm lạ lùng xen lẫn tiếc nuối.
Với nhiều khách du lịch cũng vậy. Thậm chí một số nhà văn, họa sĩ, đạo diễn cứ vài ba tháng lại khoác ba lô làm cuộc “chạy trốn phố phường” để đến sống với thị trấn vùng cao, mà mỗi người sẽ chọn một làm nơi chốn thân quen.
Thị trấn vùng cao là cái không gian vừa quen thuộc vừa đầy sự khác biệt với người thị thành. Khác biệt bắt đầu từ không khí trong veo, se lạnh, đôi khi sương mây vờn xuống chân người. Khác nữa là không quá đông đúc chen chúc, nhưng lại không vắng vẻ đến độ chênh chao buồn, đi cả tiếng đồng hồ chẳng gặp một bóng người mà chỉ gặp cái đói cái nghèo đeo bám. Khác từ thói quen giao tiếp hàng ngày cho tới những sắc màu trang phục của bà con vùng cao. Đây Mông, kia Dao, Thái, Giáy, Xá Phó,… với những vòng, kiềng vang âm ra sau mỗi nhịp chân trên phố. Khác nữa là phiên chợ vùng cao với những thức quà đồng rừng dù nay đã không còn nguyên bản nhưng cũng đầy lạ lẫm trong mắt khách đô thành…
Gần Hà Nội nhất, là thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Là vùng cao đấy, nhưng bây giờ ngoài không gian không khí mỗi sáng sớm và mỗi đêm khuya thì không còn nét đẹp của sắc màu dân tộc.
Xa hơn đi Tam Đảo một chút là thị trấn Mai Châu (Hòa Bình), khách thị thành ngại xa ngại say ôtô có thể hài lòng về một không gian sống, không gian du lịch cộng đồng sinh động.
Xa Hà Nội thêm một chút nữa, thị trấn Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) là những không gian nhiều người mê, nhiều người say để mỗi năm trở lại nhiều lần quay phim chụp ảnh, kể cả khi chợ tình Khâu Vai chưa mở, chợ Đồng Văn rời khỏi nơi chốn thân quen.
Nhưng “phổ thông” hơn cả là mấy cái thị trấn của “thành phố du lịch” Lào Cai như Bắc Hà, Si Ma Cai, và đặc biệt là Sa Pa - thị trấn chiều lòng được số đông thích “đổi gió”. Phố Cầu Mây được ví như trái tim của Sa Pa chỉ dài chừng cây số, nhưng nhiều quán cà phê hào nhoáng đến độ có thể làm “choáng váng” cho người lần đầu đặt chân đến. Nhưng khí hậu thay đổi bốn mùa trong một ngày và chính những người Mông, người Dao đỏ, người Tày, người Giáy… đã mang lại vẻ sinh động của thị trấn du lịch độc đáo này.
Bây giờ, đi trong phố núi vào đêm khuya mà cứ nhớ về những đêm đã xa của một Sa Pa vắng vẻ. Khi ấy, quanh nhà thờ đá chỉ có một người đàn ông ngồi thổi khèn. Tiếng khèn da diết gọi bạn tình trong đêm sương lạnh ấy khiến Sa Pa thăm thẳm và quyến rũ…