Làm cả đời không mua nổi chung cư nội thành Hà Nội
Hàng loạt chung cư mở bán tại 4 quận nội thành Hà Nội và Cầu Giấy có giá 45 triệu đồng tới 120 triệu đồng/m2. Theo tính toán, mỗi gia đình mỗi tháng để ra 5 triệu đồng thì phải mất 60 năm mới mua nổi nhà trị giá gần 4 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thanh Lan (đang trọ ở quận Đống Đa, Hà Nội) từ 3 tháng nay liên tục dành các ngày nghỉ cuối tuần để tìm kiếm căn hộ chung cư cho hai vợ chồng.
Cùng với hỗ trợ hai bên gia đình, sau 3 năm tiết kiệm của hai vợ chồng, trong tay có 600 triệu nhưng chị Lan thừa nhận muốn mua căn hộ trong nội thành để con cái học hành gần, tiện đường đi làm là không thể.
“Các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng thì giá nhà nhà rẻ nhất cũng 40 triệu đồng/m2. Nếu muốn ở trong nội đô chỉ xác định mua lại các căn hộ chung cư mini không có sổ đỏ của các hộ rao bán lại”, chị Lan nói.
Trường hợp tìm kiếm căn hộ vừa túi tiền như chị Lan là hiện tượng phổ biến trên thị trường bất động sản Hà Nội. Báo cáo quý II-2020 của Batdongsan.com.vn vừa chỉ ra một thông tin hết sức bất ngờ, lượng tìm kiếm căn hộ nhỏ, chung cư mini trong quý tăng đột biến 220%.
Báo cáo này cũng cho biết, trong khi nhu cầu căn hộ nhỏ tăng mạnh thì lượng tin đăng chung cư dưới 45 m2 chỉ tăng 14% trong quý vừa qua. Như vậy nguồn cung loại hình nhà ở này đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu của thị trường
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, năm 2019 giá nhà ở chung cư tại 4 quận nội thành Hà Nội (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) dao động ở mức từ 45 - 120 triệu đồng/m2. Còn tại quận Cầu Giấy, khu vực Mỹ Đình nơi có hàng loạt dự án nhà đang chào bán thì giá trung bình rơi vào từ 35 triệu đồng tới 40 triệu đồng/m2, cá biệt có dự án giá lên tới 60 triệu đồng/m2.
Như vậy, nếu tính ở mức giá tối thiểu 45 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 80 m2 sẽ có giá khoảng 3,6 tỷ đồng. Tính đơn giản, để có được 3,6 tỷ đồng, với tiết kiệm dành dụm hơn 5 triệu đồng/tháng thì các gia đình trẻ phải khoảng 60 năm mới mua nổi nhà giá 3,6 tỷ đồng.
Mức giá nhà các quận nội thành hiện nay được đánh giá đang quá cao và vượt xa mức thu nhập của đại đa số người dân. Nguyên nhân của thực trạng trên đã được chỉ ra, tập trung vào 2 vấn đề lớn là giá đất cao và đặc biệt là sự chồng chéo, hạn chế của các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở đẩy giá nhà lên cao.
Trước thực trạng nhà chung cư thương mại 25 triệu đồng/m2 tại Hà Nội đã biến mất, thậm chí giá nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp có dự án cũng đã leo lên đến mức cận 20 triệu đồng/m2, Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có những động thái vào cuộc.
Mới đây, tại Diễn đàn bất động sản 2020, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã thông tin về việc Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội như chính sách về tín dụng, rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015.
Đặc biệt, theo ông Sinh, hiện Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III-2020. Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Động thái này được kỳ vọng sẽ mở ra lối thoát cho cải tạo chung cư cũ vốn đã luẩn quẩn cả thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC cho rằng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi đưa ra mức trần không quá 20 triệu đồng/m2. Hiện các yếu tố cấu thành nên giá của bất động sản nhà ở đều rất cao, đặc biệt là tiền sử dụng đất.
“Để mong có nhà ở thương mại giá rẻ, cần sớm đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án, giảm tiền thuế đất cho nhà đầu tư”, ông Dũng nói.