Không tự mãn, chủ quan với thành tích
Theo ông Phạm Thế Duyệt, chống dịch xong mà kinh tế phát triển ngày càng thấp đi, thất nghiệp ngày càng nhiều, nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp chưa dễ gì khôi phục được sản xuất rồi lại đi đến phá sản thì không thể nói là đã đạt được mục tiêu.
Sau thành công trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, Việt Nam bước đầu đạt được thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ kép đó là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Mỗi chặng đường ấy, đều luôn có dấu ấn của Mặt trận trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ ra rằng, không nên chủ quan, tự mãn với những thành tích đã đạt được.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, Việt Nam cũng như nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Mặt trận trong công tác phòng chống dịch cũng như góp sức cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép để hồi phục nền kinh tế?
Ông Phạm Thế Duyệt: Trong thời gian vừa qua, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ để vượt qua những khó khăn mà chúng ta còn đang cần giải quyết. Trong mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất nâng cao đời sống người dân thì việc chống dịch rõ ràng đạt kết quả tốt, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, việc duy trì sản xuất, duy trì việc làm của người lao động cũng đạt được một số kết quả nhất định. Mặc dù đạt được những kết quả đó nhưng chúng ta không được chủ quan, không được tự mãn.
Việc tăng trưởng kinh tế trong mấy tháng đầu năm đạt hơn 1% là tốt nhưng đừng nghĩ rằng “mình dương, người ta âm” thì thỏa mãn vì đây là hai câu chuyện rất khác nhau. Nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới nên chịu sự tác động rất lớn. Do đó, chúng ta không thể thỏa mãn trước những thành quả này mà phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển để phục hồi kinh tế sau dịch, với vai trò là trung tâm kết nối của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo ông Mặt trận cần phải góp sức như thế nào tiếp tục cùng Đảng và Chính phủ đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực và lãng phí?
- Bên cạnh việc tuyên truyền, động viên nhân dân nâng cao ý thức phòng dịch, MTTQ Việt Nam cũng có ý thức cổ vũ, động viên nhân dân đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời đưa ra những kiến nghị xác đáng gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có những giải pháp hiệu quả.
Qua việc này cho thấy trong chống giặc ngoại xâm trước đây cũng như chống dịch Covid-19 hay trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thì sức mạnh đại đoàn kết dân tộc lại được khơi dậy, được phát huy mạnh mẽ, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao độ.
Gần đây, kiểm tra, thanh tra và báo chí đã phanh phui rất nhiều vụ tham nhũng, sự suy đồi đạo đức của một số cán bộ thoái hóa, biến chất nhưng không vì thế mà chúng ta có những suy nghĩ bi quan. Về việc này, Trung ương đã có những chỉ đạo xử lý rất dứt điểm.
Đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận phải cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện vì Mặt trận chính là tổ chức đại diện cho nhân dân. Mặt trận phải đứng lên, hướng dẫn để Mặt trận các cấp an tâm, giúp đỡ người dân một cách thiết thực nhất.
Hàng loạt cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho đến cấp Trung ương cũng bị xử lý mới thấy rằng chúng ta chủ trương thì đúng nhưng triển khai bài bản để ngăn chặn, không để những phần tử, những người không đúng tiêu chuẩn lọt vào cương vị lãnh đạo còn thiếu quyết liệt.
Do đó, nhiều ngành, nhiều địa phương khi kiểm tra đến đều có vấn đề. Tôi đề nghị, tới đây khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, Mặt trận phải giám sát chặt chẽ hơn để giới thiệu được cán bộ xứng đáng, đủ tâm, đủ tầm vào các vị trí cốt cán. Đối với việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, Mặt trận phải có tiếng nói.
Trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng, Mặt trận phải thể hiện rõ vai trò phản biện, chính kiến của mình đối với nhân sự được bầu tại Đại hội và có những góp ý tâm huyết, trách nhiệm vào những nội dung cụ thể của văn kiện Đại hội.
Hiện nay tại nhiều địa phương trên cả nước Mặt trận đã thành lập các đoàn giám sát gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, theo ông làm thế nào để phương pháp giám sát đạt được hiệu quả nhất và thiết thực nhất?
- Theo tôi hiệu quả chỉ thể hiện trên 2 mặt. Một là làm sao để dân có ý thức thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước để tự giác đề phòng, cảnh giác với việc xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài. Điều này bà con nhân dân ta đã thực hiện rất tốt. Vấn đề thứ hai đó là làm sao đạt được mục tiêu kép.
Tức là sản xuất, đời sống và việc làm của nhân dân phải được coi trọng. Chỉ khi nào đời sống và việc làm của người dân ổn định và phát triển thì chúng ta mới được coi là chống dịch tốt.
Nếu chống dịch xong mà kinh tế phát triển ngày càng thấp đi, thất nghiệp ngày càng nhiều, nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp chưa dễ gì khôi phục được sản xuất rồi lại đi đến phá sản thì không thể nói là đã đạt được mục tiêu.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam được thế giới coi là thần kỳ. Vậy bài học Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành và Mặt trận chung tay, toàn dân đồng lòng được thể hiện như thế nào để có thể ứng phó không chỉ trong phòng chống Covid -19 mà trong rất nhiều biến cố, khó khăn tương tự, thưa ông?
- Chế độ của chúng ta là chế độ XHCN, Đảng lãnh đạo vì dân nên khi có việc thì sẽ chỉ đạo rất sớm. Nhà nước của chúng ta là Nhà nước của dân cho nên khi đất nước gặp khó khăn thì sẽ hành động vì dân.
Mặt trận là người đại diện cho dân nên bao giờ cũng tự thấy rằng nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra phải được thực hiện kịp thời, thể hiện được sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vừa rồi ở cả ba lĩnh vực trong hệ thống chính trị đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thể hiện rất rõ. Mong rằng các việc khác cũng cần phải có ý thức như vậy. Ý thức như chống dịch. Ý thức như chống các đế quốc xâm lược trước đây.
Đặc biệt sắp tới đây, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng phải thực hiện được chủ trương của Đảng, của Tổng Bí thư thì như thế chắc chắn rằng dân sẽ rất vui.
Trân trọng cám ơn ông!