Covid-19 chưa buông tha châu Á
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Á nổi lên như những điểm sáng bởi những thành công rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tại thời điểm này, người ta không khỏi lo ngại trước một đợt bùng phát thứ hai của Covid-19.
Tới nay, trước việc phát hiện ổ dịch lớn và tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao, “Quốc gia vạn đảo” Indonesia lại lo ngại tình hình xấu đi, sau một đợt ngăn chặn hiệu quả.
Theo Bộ Y tế Indonesia, từ cuối tháng 5, tỉnh Đông Java đã trở thành tâm dịch mới của Indonesia. Đặc biệt, tình hình thành phố Surabaya là khá nghiêm trọng. Cũng chính vì thế mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị lực lượng chức năng nước này tiến hành thêm các xét nghiệm PCR đối với những người nghi mắc Covid-19.
WHO cho rằng, không chỉ Indonesia mà một số quốc gia khác tại châu Á cũng không nên chủ quan trước đại dịch, nếu không muốn phải đối đầu với một làn sóng lây nhiễm mới.
Tuy nhiên, nhận định về triển vọng đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai, giới chuyên gia y tế cho rằng, các chính phủ ở châu Á dường như đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh sau những kinh nghiệm thực tế thu thập được từ quá trình phòng chống dịch ban đầu. Nhưng, dẫu thế thì công tác phòng chống dịch vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cần nâng cao cảnh giác và đảm bảo các ổ dịch nhỏ nhanh chóng được phát hiện và khoanh vùng để không lan rộng thành các ổ dịch lớn khó kiểm soát.
Theo ông Paul Ananth Tambyah- Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng lâm sàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia có nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai là những nước đang có các ca lây nhiễm tại địa phương với số ca nhiễm hàng ngày từ vài trăm cho đến hàng nghìn.
“Mặc dù có thể có ý kiến cho rằng đây chỉ là phần còn sót lại của đợt bùng phát đầu tiên nhưng có nhiều khả năng những chuỗi lây nhiễm ở một số quốc gia chưa thực sự được khoanh vùng và cắt đứt”- ông Tambyah nói, đồng thời cho rằng Ấn Độ và Indonesia sẽ gặp phải nguy cơ cao nhất.
Giáo sư Lee Hoan-jong (Bệnh viện Nhi đồng, Đại học Quốc gia Seoul) cho biết, một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể ập đến bất cứ lúc nào cho đến khi vaccine được áp dụng rộng rãi hoặc 60% số người nhiễm bệnh có khả năng miễn dịch cộng đồng. Đề xuất một số bài học kinh nghiệm mà châu Á có thể áp dụng từ đợt dịch đầu tiên, Giáo sư Michael Baker - chuyên gia về Y tế Công cộng tại Đại học Otago ở Wellington (New Zealand) khẳng định, khẩu trang đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trước nguy cơ tiềm ẩn của Covid-19, rút kinh nghiệm của đợt thứ nhất, các quốc gia châu Á cần gấp rút nâng cấp hệ thống y tế công cộng, đồng thời phải nâng cao năng lực ứng phó nhanh.
Cũng ít ai ngờ rằng Nhật Bản lại phải đối diện với sự tái phát của Covid-19. Ngay tại thủ đô Tokyo, ngày 15/7, chính quyền đã phải nâng cảnh báo lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lên mức đỏ, mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ. Với hơn 8.300 ca Covid-19, Tokyo là địa phương ghi nhận hơn 1/3 tổng số ca bệnh của Nhật Bản (tính tới ngày 15/7). Người ta nhận thấy, các bệnh viện tại Tokyo đang trở nên đông đúc khi số người bệnh có xu hướng tăng lên.
Ông Norio Ohmagari- Giám đốc Trung tâm quốc gia về Y tế và sức khỏe toàn cầu, cho biết, tỷ lệ lây nhiễm tại Tokyo đang ở mức “đỏ”. Đáng lo ngại là số ca bệnh là người trẻ tuổi và người không có triệu chứng mắc bệnh tăng cao.
Còn Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết, chính quyền sẽ ứng phó phù hợp với đánh giá của các chuyên gia. Bà kêu gọi người dân thủ đô cần giữ cảnh giác: “Theo hiểu biết của tôi, lúc này chúng ta đang trong tình trạng nghiêm trọng hơn trước đây”; đồng thời khuyến cáo người dân không nên tới nhà hàng không có đủ biện pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp.
Còn tại thành phố Mutsu (tỉnh Aomori), Thị trưởng Soichiro Miyashita cảnh báo, đại dịch tại Nhật Bản sẽ trở thành một thảm họa “nhân tạo” nếu chương trình kích cầu du lịch diễn ra.