Bảo hiểm cho tàu 67 tại Bình Định: Vẫn ‘bóng chim tăm cá’
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh Bình Định hiện có tới 25/54 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP không thể ra khơi đánh bắt vì không có bảo hiểm thân vỏ theo yêu cầu này.
Trong khi đó, vào thời điểm tháng 8/2019, đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân Bình Định là Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO) đã dừng bán bảo hiểm cho tàu 67 như cam kết trước đó. Lý do đơn vị bảo hiểm đưa ra là vì trong thời gian ngắn trên địa bàn gia tăng bất thường các vụ tàu chìm dẫn đến tổn thất lớn.
Tới tháng 3/2020, sau nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của chính quyền địa phương tỉnh Bình Định và Tổng Công ty PJICO, các chủ tàu 67 trong tỉnh vui mừng vì được vươn khơi sau khi Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định bán bảo hiểm trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, ngày 17/4/2020, các DN kinh doanh bảo hiểm lại một lần nữa tạm ngưng dịch vụ. Không có bảo hiểm, nhiều tàu 67 của ngư dân Bình Ðịnh lại nằm bờ.
Nguyên nhân
Theo Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO, thời gian qua, có nhiều vụ chìm tàu của ngư dân Bình Định không rõ nguyên nhân, không tìm được xác tàu, số vụ chìm tàu tăng đột biến khiến đơn vị tổn thất nặng. Riêng tháng 7/2019, có 7 vụ chìm tàu (kể cả tàu cá vỏ gỗ), tổng thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Báo cáo của PJICO tại văn bản số 0001/2020/DNĐBH cũng cho thấy: Tại địa bàn PJICO làm Leader (bao gồm Bình Định), tỉ lệ bồi thường 586,14%. Đặc biệt, trong quý I/2020, tổng số tiền bồi thường các công ty bảo hiểm đã thanh toán là 29,2 tỷ đồng và ước số tiền bồi thường là 157,8 tỷ đồng so với tổng phí bảo hiểm thu được là 21,1 tỷ đồng, tương ứng với tỉ lệ bồi thường và ước bồi thường/phí thu vượt trên 880%. Do đó, đơn vị phải tạm dừng để xem xét, giải quyết các vụ tổn thất và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo hiểm.
Xác nhận những khó khăn mà PJICO gặp phải, bà Đoàn Xuân Hương, Phó Chánh án - Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn cho biết, đến tháng 6/2020, chỉ riêng địa bàn TP Quy Nhơn, Tòa đã thụ lý và giải quyết 5 vụ tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm có nguyên đơn là chủ tàu và bị đơn là Tổng Công ty CP bảo hiểm PJICO. Trong đó, Tòa đã tuyên buộc bị đơn phải bồi thường cho chủ tàu 4 vụ (xử bác đơn 1 vụ).
Ngoài ra, việc áp dụng Luật Thủy sản và các quy định mới cho tàu 67 cũng là một nguyên nhân gây vướng mắc. Qua trao đổi, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định hỗ trợ 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Nay áp dụng một số điều chỉnh theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, mức hỗ trợ chỉ còn 50% nên một số chủ tàu lưỡng lự không mua bảo hiểm (nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về chi phí mua bảo hiểm tàu cá, số tiền phải tự bỏ ra để mua bảo hiểm thân tàu loại này khoảng 130 triệu đồng/năm).
Gỡ vướng bất thành
Từ tháng 8/2019 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì, tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vấn đề vướng mắc liên quan đến việc bán bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Đáng chú ý, ngày 14/4/2020, các DN bảo hiểm có văn bản số 0001/2020/DNĐBH gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xin tạm dừng nhận bảo hiểm từ chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP từ ngày 17/4/2020 (tạm dừng bán bảo hiểm cho tàu 67 từ ngày 17/4/2020 – PV). Đồng thời kèm theo “mong muốn Bộ Tài chính sớm giải quyết kiến nghị của các DN bảo hiểm, vì đây là vấn đề cấp bách, nếu không kịp thời sửa đổi các quy tắc thì sẽ gây thiệt hại không chỉ cho DN bảo hiểm mà cho cả ngư dân khi tàu buộc phải nằm bờ”.
Về phía UBND tỉnh Bình Định, sau nhiều nỗ lực, quyết liệt vào cuộc tháo gỡ vướng mắc không đạt kết quả, cũng có văn bản số 4521/UBND-KT ngày 9/7/2020 đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo Công ty Bảo hiểm PJICO tiếp tục bán bảo hiểm cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định, đồng thời “kính đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp sớm gỡ vướng để ngư dân nói chung trong đó có ngư dân Bình Định tiếp tục được vươn khơi”.
Như vậy, vấn đề hỗ trợ bảo hiểm tàu cá cho ngư dân tại Bình Định vẫn rất vướng. Trong khi đó, gần 50% số tàu 67 của ngư dân tỉnh này nằm bờ vì không được các cơ quan quản lý cho ra khơi do không mua được bảo hiểm thân vỏ tàu theo yêu cầu.