'Bốc thuốc' cho bệnh thành tích

Lê Anh Đức 17/07/2020 09:00

Tại cuộc họp của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải gắn công tác thi đua khen thưởng vào thực tiễn đời sống. Tuyệt đối không chạy theo thành tích, để rồi người có nhiều công lao đóng góp thì không được quan tâm, còn kẻ cơ hội lại nhận được nhiều giấy khen của các cấp. Sự lo lắng đó không phải là không có cơ sở, khi mà trong thực tế đã xảy ra cả trường hợp vừa nhận bằng khen xong thì... xộ khám.

Phải khẳng định ngay rằng, căn bệnh thành tích trong các cấp, ngành, địa phương hiện nay là khá trầm kha, rất khó cứu chữa. Muốn bốc thuốc đúng để chữa triệt để, tận gốc căn bệnh này thì không gì khác hơn là phải gắn trách nhiệm của Hội đồng thi đua khen thưởng, nhất là người đứng đầu với mỗi tấm giấy khen, bằng khen... Giả sử một cá nhân vừa nhận bằng khen xong thì bị kỷ luật thì người ký giấy khen sẽ phải chịu trách nhiệm vì sự quan liêu của mình.

Đáng tiếc, lâu nay không có bất cứ cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi tặng bằng khen bừa bãi, để rồi người được nhận ngay sau đó bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng chưa có ai đặt vấn đề, một cán bộ, công chức, viên chức vừa được tặng bằng khen vì những thành tích a,b,c... x,y,z... nhưng ngay sau đó bị kỷ luật, vậy thì người tặng bằng khen sai hay cơ quan xử lý kỷ luật “người có thành tích” sai. Liệu các CQĐT có sai khi truy cứu trách nhiệm hình sự người vừa được tặng bằng khen?...

Chính vì không ai phải chịu trách nhiệm cả nên lâu nay bằng khen, giấy khen được tặng khá… rộng rãi. Phàm cái gì trên đời mà có quá nhiều thì sẽ trở nên nhàm, cũng như khi giấy khen được tặng thoải mái thì không còn là điều trân quý với những ai được nhận, bởi họ dễ dàng có được nó chứ đâu phải miệt mài phấn đấu. Hệ lụy tất yếu của việc “không làm vẫn có ăn” là nảy sinh tính lười nhác, không chịu vận động, ủ mưu, tính kế để có được điều mong muốn.

Ngoài những tấm giấy khen, bệnh thành tích còn có thiên hình vạn trạng khác. Đơn cử như ở ngành giáo dục hiện nay, bệnh thành tích về điểm số, thi đua đã trở thành vấn nạn đáng báo động. Người ta nói một cách chua chát rằng, thời buổi này trẻ em muốn đúp, không được lên lớp cũng khó, bởi điểm đứa nào cũng rất cao. Có những cháu lên trung học cơ sở rồi nhưng toán đố đối với chúng vẫn là điều gì đó xa lạ.

Điển hình cho hệ lụy xấu của bệnh thành tích trong giáo dục chính là các vụ tiêu cực xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La... Nếu các thầy cô đánh giá đúng thực lực của học sinh, không chấm điểm vống lên thì làm sao có thể xảy ra tình trạng được là học sinh giỏi nhưng nếu không gian lận thì sẽ trượt đại học. Nhớ thời tôi còn đi học, chỉ cần học sinh trung bình khá trở lên là đã có thể thi đỗ đại học bằng chính sức lực, sự hiểu biết của bản thân mình, chứ không cần dựa vào “vai vế” của bố mẹ.

Một biểu hiện khác của bệnh thành tích còn đáng quan ngại hơn. Đó là việc ở không ít cơ quan, ban, ngành, địa phương... khi xảy ra lỗi thì “thằng đánh máy” phải chịu, nhưng nếu có khen thưởng thì đương nhiên là “sếp”. Tôi từng biết ở một cơ quan báo chí, ông Tổng biên tập luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua, dù thường xuyên bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, thậm chí xử phạt vì vi phạm rất nghiêm trọng. Khi “xảy ra vấn đề”, ông tổng nọ luôn nhảy ra khỏi vòng và đổ lỗi cho cấp dưới. Song, đến cuối năm, khi bình xét thi đua, dù chỉ được 1-2 suất chiến sĩ thi đua thì ông luôn “ẵm” 1 suất...

Vì sao người ta lại thích giấy khen, bằng khen? Đơn giản là càng có nhiều giấy khen, bằng khen thì càng có nhiều bổng lộc, thuận lợi trên con đường tiến thân. Khi cơ cấu, bầu bán, người ta luôn mang những tấm giấy khen ra như một điều kiện, ưu thế vượt trội so với đối thủ. Còn khi “ngã ngựa”, lâm vòng lao lý thì chính những tấm giấy khen, bằng khen lại là những lá bùa hộ mệnh để họ mang ra kể lể công trạng với mong muốn được hưởng mức án thấp nhất.

Vậy, khi đã biết được căn nguyên khởi phát căn bệnh thành tích, có lý gì lại không bốc thuốc chữa trị tận gốc?

Lê Anh Đức