Kịch bản sân khấu: Đã thiếu lại còn yếu

Cao Ngọc 17/07/2020 08:00

Nhắc tới kịch bản sân khấu, người làm nghề thường thở dài với nhận xét ngắn gọn mà đau lòng: Đã thiếu lại còn yếu. Ôi, chuyện muôn năm cũ…

Kịch bản sân khấu đang yếu và thiếu.

Thi thoảng, sân khấu vẫn hoạt động, nhưng hầu như đều là những kịch bản cũ của những tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học mà thiếu vắng những kịch bản mới. Rất thiếu kịch bản phản ánh tâm tư con người và hiện thực đương đại.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: Đó là căn bệnh trầm kha của sân khấu Việt: “Sự thiếu vắng kịch bản hay là vấn nạn từ thế kỷ XX kéo dài đến tận hai thập niên của thế kỷ XXI rồi. Cực kỳ thiếu vắng. Muốn đổi mới, muốn xây dựng hình tượng giời đất gì thì cũng phải bắt đầu từ khâu kịch bản. Nhưng kịch bản lại là khâu yếu khủng khiếp. Nó là căn bệnh vì, bản chất của sân khấu là đối thoại với đương thời, nhưng sân khấu của ta đang bị ngắt mạch với thời đại”.

Nhà viết kịch Đăng Chương nói: Kịch bản của ta đang trong tình trạng ăn đong, mượn hoặc có những kịch bản được dàn dựng đi dàn dựng lại, có kịch bản chuyển thể, có kịch bản lôi từ trong quá khứ. Chính những khó khăn này cũng tác động tới hoạt động chung của sân khấu cả nước”.

Cũng có tác giả tỏ ra lạc quan về đội ngũ viết kịch hiện nay mà cho rằng, kịch bản hay, độc, lạ vẫn có nhưng phải nằm ngăn kéo vì nhiều lý do. Trong đó có những lý do không phải vì chất lượng nghệ thuật của kịch bản. Những người theo ý kiến này đổ lỗi do các thành phần khác như chỉ đạo nghệ thuật, lãnh đạo các đơn vị không có mắt xanh nhìn nhận, đánh giá tốt về công tác sáng tạo hoặc vì lý do cánh hẩu, ê kíp mà lựa chọn kịch bản không chính xác. Hơn nữa, như một số lãnh đạo đơn vị cũng nói, do chịu sự chi phối, quyết định từ Sở VHTTDL tỉnh, thành mà họ cũng muốn nhanh được thông qua thì lại mượn kịch bản của các đoàn đã dựng, coi như qua khâu thẩm định...

NSND Lê Huy Quang nói: “Sân khấu cũng giống như các hoạt động khác, bao giờ cũng có quy luật về giai đoạn hoàng kim, giai đoạn xuống dốc. Nghệ thuật không mấy khi từ đỉnh này nhảy tiếp đến đỉnh khác được, mà thường là sẽ có bước ngừng, bước đi xuống thì sân khấu ta hiện nay là nằm trong cái đoạn trầm lắng chung của cả thế giới. Nếu theo dõi thì ngay cả các nước rất mạnh về sân khấu như Pháp, Nga, Anh, Mỹ chẳng hạn thì họ cũng có những quãng ngừng. Đấy là bình thường, cũng không cần quá nóng vội”.

Sân khấu đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một phần vì các loại hình văn hóa giải trí thời đại mới bùng nổ trong khi các tác phẩm sân khấu không có những sáng tạo đủ sức thu hút khán giả. Người làm nghề thừa nhận, hiện nay không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của công chúng như mấy chục năm về trước khi sân khấu có được một đội ngũ tác giả có bản lĩnh, nắm bắt được những xung đột lớn nhất của thời đại, dự báo những nguy cơ.

Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa. Các tác giả đang lúng túng khi phải đương đầu với thực trạng cạnh tranh quyết liệt thị phần như thế, mà sân khấu chưa định hướng được nên theo đề tài nào.

NSND Lê Huy Quang chia sẻ: “Trong xã hội hiện nay, không có những vấn đề, những thời điểm bứt phá như khi mới đổi mới để mà cả xã hội đón nhận như thời của Lưu Quang Vũ nữa. Bởi khi đó, những vở kịch được công diễn của Lưu Quang Vũ, như Nhân danh công lý… khi đó, khán giả nghe như nuốt từng lời thoại. Không phải là nó quá hay, mà vì nó đáp ứng được, nói được tiếng lòng của khán giả lúc đó. Bây giờ thì nó đang chững lại cả. Để bứt phá, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội hiện nay rất khó. Tham nhũng cũng cũ rồi, chơi bời móc ngoặc rồi motip ông phó giám đốc tích cực, đấu tranh với những lề thói cũ của ông giám đốc… cũng qua rồi. Thế bây giờ nói gì đây? Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng lại đi vào mô tả, phản ánh tâm lý của con người… Có lẽ thời gian nữa, nếu không có sự vận chuyển lớn, thì vẫn thế này thôi. Hội Nhà văn cũng vậy, thơ cũng vậy, cả một năm lựa chọn, khi trao giải vẫn ì xèo vì không xứng đáng…

Đề tài nào cũng như đã bão hòa, trong khi các đơn vị lại không hề dễ dàng chấp nhận kịch bản vì nhiều khâu duyệt, nhiều sự soi chiếu. Thêm vào đó, do chủ trương chung nên các đơn vị nghệ thuật sân khấu dần bị thu hẹp vào những trung tâm văn hóa, không còn đủ kinh phí dàn dựng những vở lớn, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với sức lao động người viết kịch phải đầu tư…

Để có tác phẩm kịch bản, khâu vẫn được đánh giá là rất quan trọng, ngoài những tích cực tự thân của đội ngũ tác giả, cũng cần sự động viên và con mắt xanh của những lãnh đạo được giao trách nhiệm thẩm định kịch bản. Nhiều nhà biên kịch cũng cố gắng đi vào sáng tác mới, nhưng do các đơn vị đều tìm hệ số an toàn mà từ chối những cách giải quyết vấn đề khác đi so với truyền thống nên việc na ná nhau, chưa có phong cách riêng, thậm chí viết về những con người hoạt động ở địa phận này, chỉ cần thay đổi đôi chút là có thể đưa sang địa phận khác…

Đội ngũ tác giả lại đang thiếu vắng những cây bút trẻ, đủ lực bứt phá, hiểu biết và dám mạnh dạn thay đổi lề thói, bỏ qua sự rụt rè tự kiểm duyệt để có những bất ngờ trong khâu trọng yếu của sân khấu là kịch bản. Chúng ta phải đầu tư, tạo môi trường, điều kiện để các tác giả tự do trong sáng tạo mới mong có được những kịch bản hay, hấp dẫn.

Cao Ngọc