Ngành dệt may có 'chớp' được cơ hội?

Minh Phương 18/07/2020 10:11

Covid-19 đã khiến cho nhiều ngành, trong đó có dệt may cạn kiệt đơn hàng. Nhiều DN trong ngành cho hay, chỉ đủ đơn hàng cho đến hết quý III-2020. Những khó khăn đã thấy rất rõ, song, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: EVFTA có làm tạo được sự bứt phá cho ngành may mặc của nước nhà?

Ảnh minh họa.

Sản xuất dệt may nửa đầu năm tăng 2,8%, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh vì bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương cho hay, lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.

Còn theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, trong các tháng dịch Covid -19, nhiều đơn hàng đã bị dừng, và cho dù các đơn hàng đó đã được nhà nhập khẩu cho sản xuất lại song đối tác đề nghị giao hàng từ tháng 1/2021 và đến nay vẫn chưa có thêm đơn hàng mới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội cho DN ngành may thời gian tới, nhưng trên thực tế DN ngành may mặc chưa được hưởng lợi ngay, vì một số DN có sản phẩm thuộc nhóm giảm thuế theo lộ trình, phải vài năm sau mới được hưởng lợi từ việc giảm thuế.

Bên cạnh đó, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng đang là rào cản lớn gây khó cho DN dệt may khi EVFTA được thực thi. Theo các chuyên gia trong ngành, để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các DN phải đảm bảo, nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hoặc Hàn Quốc, vốn là những quốc gia đã có FTA với EU. Trong khi đó, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Rõ ràng, dù EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho DN song riêng với ngành dệt may, chưa có hiệu quả ngay lập tức. Việc các DN dệt may của Việt Nam có thể tận dụng hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.

Điều này cũng được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh khi cho biết, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA vẫn là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, các DN dệt may cũng đang rất nỗ lực để cải thiện những khó khăn này, nhiều DN đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường mới.

Điều đó cho thấy, vẫn còn nhiều cơ hội để các DN dệt may bứt phá hậu covid-19.

Minh Phương